Hơn 80 nước bàn về “công thức hòa bình” cho xung đột ở Ukraine
Các quan chức an ninh của 83 quốc gia đã tập trung tại Davos, Thụy Sĩ vào ngày 14-1 (theo giờ địa phương) để thảo luận về các đề xuất mà Ukraine đưa ra nhằm chấm dứt cuộc xung đột giữa nước này và Nga. Tuy nhiên, cuộc đàm phán rất được chờ đợi này đã không đạt kết quả gì nổi bật.
Theo tờ Financial Times, cuộc đàm phán ở Davos có sự tham dự của 83 phái đoàn, trong đó có 18 phái đoàn đến từ châu Á và 12 phái đoàn từ châu Phi. Đáng chú ý, số lượng phái đoàn tham dự vòng đàm phán ở Davos cũng tăng đáng kể so với vòng đàm phán gần nhất diễn ra ở Malta (65 phái đoàn). Tuy nhiên, vòng đàm phán lần này không có sự hiện diện của các đại diện từ Nga và Trung Quốc.
Quan chức an ninh các nước dự vòng đàm phán ở Davos (Thụy Sĩ), ngày 14-1-2024. Ảnh: Kyiv Post |
Trước đó, năm 2023, các cố vấn an ninh quốc gia của nhiều nước đã tham gia 3 vòng đàm phán về “công thức hòa bình” cho cuộc xung đột Nga – Ukraine, lần lượt tại Đan Mạch, Saudi Arabia và Malta.
AFP cho hay, vòng đàm phán lần này diễn ra dưới sự đồng chủ trì của ông Andriy Yermak, Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine và ông Ignazio Cassis, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sĩ. Nội dung cuộc thảo luận tập trung vào “công thức hòa bình” 10 điểm mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đề xuất nhằm thiết lập nền hòa bình lâu dài, công bằng ở Ukraine.
Phát biểu với các phóng viên sau cuộc đàm phán nói trên, ông Yermak cho biết đại diện các quốc gia đã có nhiều cuộc thảo luận “cởi mở và rất xây dựng”, nhưng thừa nhận rằng không có sự thống nhất giữa những người tham dự đàm phán. Tờ Financial Times cũng nhận định, vẫn còn những khác biệt về quan điểm giữa các nước trong và ngoài phương Tây liên quan đến “công thức hòa bình” 10 điểm mà Ukraine đưa ra.
Về phần mình, nhấn mạnh vòng đàm phán ở Davos nhằm chuẩn bị sẵn sàng để khởi động một tiến trình đàm phán với Nga, Ngoại trưởng Thụy Sĩ Cassis cho rằng cần phải tìm cách đề nghị Nga cùng ngồi vào bàn đàm phán ở một thời điểm nào đó. “Sẽ không có hòa bình nếu Nga không lên tiếng”, Ngoại trưởng Cassis nhấn mạnh.
Theo ông Cassis, không có lựa chọn nào khác ngoài việc đưa cả Nga và Ukraine vào bàn đàm phán. Mặc dù vậy, quan chức này thừa nhận việc mời Nga tham gia đàm phán vẫn là một chặng đường dài và cần tới vai trò trung gian của một số nước, bởi đến nay cả Nga và Ukraine đều chưa sẵn sàng bước vào một cuộc đàm phán chung.
Hãng tin Reuters cho biết thêm, người đứng đầu ngành ngoại giao Thụy Sĩ cũng nhấn mạnh vai trò của Trung Quốc trong nỗ lực chấm dứt xung đột giữa Nga và Ukraine, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh tham gia vào nỗ lực này. “Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng. Chúng ta phải tìm cách hợp tác với Trung Quốc về vấn đề này”, Ngoại trưởng Thụy Sĩ nhấn mạnh trong cuộc họp báo sau vòng đàm phán ở Davos.
Tương tự, đại diện Ukraine cũng cho rằng cần có sự tham dự của đại diện đến từ Trung Quốc trong các cuộc đàm phán tiếp theo về “công thức hòa bình” cho vấn đề Ukraine.
Bên cạnh đó, Thụy Sĩ cho rằng sự tham gia vào tiến trình đàm phán của các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS), bao gồm cả Ấn Độ, cũng đóng vai trò rất quan trọng, bởi đây là các quốc gia đang duy trì quan hệ với Nga.
Như thông báo của đại diện nước chủ nhà Thụy Sĩ, vòng đàm phán vừa qua tại Davos có thể là lần nhóm họp cuối cùng của các cố vấn an ninh quốc gia, nhưng không loại trừ khả năng sẽ diễn ra một cuộc họp ở cấp cao hơn.
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()