Hơn 75% số vụ ly hôn là do bạo lực gia đình
Trong 10 năm, có trên 1 triệu vụ ly hôn tòa án đã giải quyết xuất phát từ nguyên nhân bạo lực gia đình (chiếm 76,6% các vụ án ly hôn).
Ảnh minh họa. Nguồn internet |
Báo cáo tổng kết 12 năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình mới được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch gửi đến Bộ Tư pháp, trong giai đoạn 2009-2019, tổng số vụ bạo lực gia đình mà các địa phương đã phát hiện là gần 300.000 vụ. Tuy nhiên, số vụ bạo lực gia đình đã giảm dần qua các năm: Năm 2009 là 53.206 vụ, giảm xuống còn 20.108 vụ trong năm 2015 và chỉ còn 8.176 vụ trong năm 2019.
Từ ngày 1/7/2008 đến ngày 31/7/2018, trong số gần 1,4 triệu vụ án ly hôn tòa án đã giải quyết có trên 1 triệu vụ xuất phát từ nguyên nhân bạo lực gia đình như: bị đánh đập, ngược đãi; vợ hoặc chồng nghiện ma túy, rượu chè, cờ bạc; ngoại tình (chiếm 76,6% các vụ án ly hôn).
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết, giai đoạn 2009-2019 đã có trên 33.000 vụ bạo lực gia đình mà người gây bạo lực được xử lý, trong đó biện pháp góp ý phê bình trong cộng đồng dân cư được áp dụng chủ yếu (chiếm khoảng 73,6%).
Trong hơn 10 năm qua, có gần 25.000 nạn nhân bạo lực gia đình đến các cơ sở khám chữa bệnh, hơn 16.000 nạn nhân được trợ giúp bởi các cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình và gần 2.800 nạn nhân được các cơ sở bảo trợ xã hội trợ giúp.
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đánh giá, công tác xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật về bạo lực gia đình được quan tâm tổ chức thực hiện tại cộng đồng chủ yếu là góp ý, hòa giải, phê bình tại khu dân cư, phạt hành chính bằng hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền; khởi tố hình sự những vụ cố ý gây thương tích, hành hạ người khác, hủy hoại tài sản, giết người.
Tuy nhiên các biện pháp xử lý vi phạm như góp ý, hòa giải, phê bình tại cộng đồng, xử phạt hành chính chưa đảm bảo tính răn đe. Các thủ tục hành chính và điều kiện để xử lý vụ việc bạo lực gia đình còn khá phức tạp, nhất là quy định về viết đơn, tố cáo.
Nhiều nạn nhân ngại tiếp xúc với chính quyền vì không biết phải trình bày thế nào, thậm chí bị người gây bạo lực đe dọa nếu viết đơn hoặc tố cáo. Các biện pháp cấm tiếp xúc cũng chưa thực sự bảo vệ nạn nhân. Khi áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc thì nạn nhân thường là người phải ra khỏi nhà (chủ yếu là phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi). Từ đó dẫn đến việc nạn nhân có thể phải chịu bạo lực kép từ gia đình và cả xã hội.
Bên cạnh đó, các cơ sở hỗ trợ nạn nhân hiện nay hoạt động chưa hiệu quả, đặc biệt một số cơ sở chỉ có tên trong luật mà chưa có ở thực tiễn sau 12 năm triển khai. Việc hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình trong các trường hợp khẩn cấp còn mang nặng thủ tục hành chính và không phù hợp với những trường hợp cần ra khỏi nhà để bảo vệ an toàn tính mạng.
Quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình hiện chưa nhất quán với Bộ luật Hình sự. Cụ thể, Bộ luật Hình sự quy định “người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10-30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm”.
Trong khi đó, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác là một dạng bạo lực tinh thần, song, hành vi này đối với thành viên gia đình chỉ bị phạt tiền chỉ từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng (Điều 51 Nghị định số 167/2013).
Trong nhiều trường hợp, nạn nhân bạo lực là người vợ/chồng hoặc bố mẹ là người nộp tiền phạt hoặc phải lấy tiền từ quỹ chi tiêu chung của gia đình để nộp phạt cho người gây bạo lực gia đình. Điều này khiến cho nạn nhân không muốn tố cáo. Nhiều quốc gia trên thế giới đã thay thế phạt tiền người gây bạo lực gia đình là người vợ/chồng bằng hình thức giáo dục bắt buộc.
Ý kiến ()