Hơn 70 nhà nhập khẩu giao thương tiêu thụ sản phẩm nhãn Việt Nam
Những địa phương có diện tích trồng nhãn quy mô tập trung đang ngày càng hoàn thiện công nghệ, quy trình sản xuất, tập trung phát triển các vùng trồng nhãn đạt tiêu chuẩn cấp mã số xuất khẩu.
Sáng 13/8, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Uỷ ban nhân dân các tỉnh Hưng Yên, Sơn La và tổ chức xúc tiến thương mại trong và ngoài nước tổ chức “Hội nghị giao thương trực tuyến quốc tế sản phẩm nhãn Việt Nam 2020.”
Hội nghị thu hút hơn 70 doanh nghiệp, nhà nhập khẩu nông sản từ 8 thị trường xuất khẩu nhãn của Việt Nam, gồm: Ấn Độ, Australia, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Malaysia, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc giao dịch trực tuyến với trên 30 nhà vườn, hợp tác xã, doanh nghiệp nhãn đến từ 8 tỉnh, thành của Việt Nam là Bến Tre, Bắc Giang, Bình Dương, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hưng Yên, Lạng Sơn và Sơn La.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại
Theo đại diện Bộ Công Thương, tiềm năng xuất khẩu quả nhãn tươi và các sản phẩm từ nhãn như nhãn sấy khô, long nhãn, nước nhãn đóng lon… của Việt Nam là khá lớn.
Hiện Sơn La và Hưng Yên là 2 tỉnh trồng nhãn lớn nhất miền Bắc Việt Nam chiếm khoảng 30% diện tích nhãn toàn quốc.
Bên cạnh đó, những địa phương có diện tích trồng nhãn quy mô tập trung đang ngày càng hoàn thiện công nghệ, quy trình sản xuất, tập trung phát triển các vùng trồng nhãn đạt tiêu chuẩn cấp mã số xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài.
Đặc biệt, nhãn Sơn La, Hưng Yên có chất lượng cao và hình thức đẹp, hương vị thơm ngon được người tiêu dùng trong nước và quốc tế ưa chuộng và đánh giá cao.
Trong đó, sản phẩm nhãn Sơn La đã được cấp nhãn hiệu chứng nhận “Nhãn Sông Mã,” trong khi nhãn lồng Hưng Yên đã được cấp chỉ dẫn địa lý, được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa “Nhãn lồng Hưng Yên hương vị tiến vua.”
Báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên cho thấy, năm 2020 toàn tỉnh có khoảng 4.600ha trồng nhãn, với sản lượng trên 50.000 tấn.
Với số lượng này, ông Bùi Thế Cử, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Hưng Yên thông tin, ngay từ đầu vụ, tỉnh đã xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm tại các địa phương trong nước và xuất khẩu sang các nước, như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Trung Quốc.
Tuy nhiên, do diễn biến của dịch COVID-19 nên việc tiêu thụ nhãn gặp khó khăn, cần sự hỗ trợ của các bộ, ngành trung ương, các nhà phân phối, chế biến và chung tay của người tiêu dùng.
“Tỉnh cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước kết nối với hợp tác xã, nhà vườn đưa sản phẩm nhãn lồng và long nhãn Hưng Yên đến với người tiêu dùng trên toàn thế giới,” ông Cử nói đồng thời khẳng định tỉnh Hưng Yên sẽ phối hợp với doanh nghiệp vận tải, logictics để hỗ trợ việc vận chuyển sản phẩm cũng như thực hiện các thủ tục thông quan tại các cửa khẩu phục vụ xuất khẩu với thời gian nhanh và chi phí thấp nhất.
Nâng giá trị thương hiệu trái cây Việt Nam
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, chất lượng quả nhãn Việt Nam và các sản phẩm giá trị gia tăng từ nhãn đang ngày càng được nâng cao.
Hiện các sản phẩm nhãn Việt Nam đã được nhiều thị trường lớn và người tiêu dùng trên thế giới biết đến, đặc biệt Việt Nam đã xuất khẩu nhãn tươi vào các thị trường có thứ hạng cao như Australia, Mỹ…, đáp ứng chuẩn các quy định của nước nhập khẩu như truy xuất nguồn gốc rõ ràng, sản xuất và xuất khẩu theo quy trình đáp ứng yêu cầu chất lượng…
Chính vì vậy, việc trái nhãn tươi xuất khẩu của Việt Nam đã được công nhận có chất lượng cao, khẳng định được thương hiệu “trái cây Việt” và hoàn toàn có thể tự tin lưu thông ở nhiều thị trường khó tính khác.
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy Trung Quốc vẫn là thị trường quan trọng của Việt Nam với trên 70% giá trị xuất khẩu trái cây hàng năm.
Đáng chú ý, Việt Nam và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận xuất khẩu chính ngạch 9 loại trái cây từ Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, Bộ luôn quan tâm đến việc đa dạng hóa thị trường, mở cửa, phát triển thị trường cho nông sản Việt nhằm nâng cao giá trị cho sản xuất, mang lại lợi ích lớn hơn cho nông dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, trao đổi hàng hóa giữa các vùng, miền trong nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tích cực đàm phán, tháo gỡ rào cản kỹ thuật để mở cửa thị trường xuất khẩu trái cây ra thế giới.
Tuy nhiên, để đảm bảo mùa vụ nhãn thắng lợi toàn diện, thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị các tỉnh có vùng trồng nhãn tập trung đổi mới và nâng cao hiệu quả hệ thống tổ chức sản xuất nhãn theo chuỗi giá trị.
Bên cạnh đó, các địa phương cần hướng dẫn người trồng nhãn các kỹ thuật rải vụ, thu hoạch, bảo quản để đảm bảo sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật của thị trường trong nước và xuất khẩu; phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để triển khai việc cấp mã số vùng trồng và đẩy mạnh việc thực hiện quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP…
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng lưu ý các doanh nghiệp tăng cường kết nối với các Tập đoàn, doanh nghiệp phân phối, các siêu thị và chợ đầu mối tiêu thụ nông sản lớn nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, thương nhân nước ngoài, đặc biệt là doanh nhân Trung Quốc đến thăm quan, khảo sát và ký kết hợp đồng chính thức với các Hợp tác xã, doanh nghiệp cung ứng trên địa bàn tỉnh.
“Các địa phương cần có chính sách kêu gọi, khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp có uy tín, tâm huyết trong và ngoài nước triển khai các dự án, nhà máy chế biến nông sản, thực phẩm nhằm nâng cao giá trị gia tăng và thu nhập cho nông dân,” ông Doanh khuyến nghị thêm./.
Ý kiến ()