Hơn 70% các bệnh truyền nhiễm ở người có nguồn gốc từ động vật
Đó là thông tin được Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long chia sẻ tại hội nghị Một Sức khỏe tại Việt Nam. Theo đó, Thứ trưởng nhấn mạnh, tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp, huy động nguồn lực về tài chính và hợp tác kỹ thuật là sự cần thiết để phòng, chống các dịch bệnh nguy hiểm mới nổi và các bệnh truyền lây từ động vật sang người, chủ động ứng phó với tình hình dịch bệnh có khả năng lây lan trên quy mô châu lục và thế giới.
Sáng 12-7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế và các tổ chức quốc tế đã tổ chức “Hội nghị tăng cường công tác phối hợp Một Sức khỏe tại Việt Nam theo Kế hoạch chiến lược Một sức khỏe Quốc gia (OHSP), 2016-2020”.
Đối tác Một sức khỏe phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người (OHP) với sự tham gia ký kết của 27 cơ quan và tổ chức trong nước và quốc tế ra mắt ngày 1-3-2016, nhằm tăng cường công tác điều phối thực hiện chương trình Một sức khỏe ở Việt Nam (OHSP).
Theo đó, kế hoạch OHSP đưa ra một khung kế hoạch 5 năm, nhằm nâng cao năng lực giúp giảm thiểu các tác động đến sức khỏe con người và các tác động khác gây ra bởi bệnh truyền lây giữa động vật và người.
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám khẳng định, kế hoạch OHSP tiếp tục tập trung vào tăng cường năng lực, kiểm soát dịch bệnh trên người có nguồn gốc từ động vật, kiểm soát các vi rút cúm và các bệnh truyền lây giữa động vật và người có nguy cơ cao. Kế hoạch này sẽ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong phòng chống bệnh dại, kháng kháng sinh và các bệnh truyền lây giữa động vật và người được ưu tiên khác.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, sự biến đổi phức tạp của môi trường toàn cầu, các dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi, đặc biệt là các bệnh lây truyền từ động vật sang người là những mối đe dọa cho sức khỏe con người. Hơn 70% các bệnh truyền nhiễm ở người được phát hiện có nguồn gốc từ động vật.
Hơn 10 năm qua, với sự giúp đỡ của các Chính phủ và tổ chức quốc tế, Việt Nam đã có nhiều hành động thiết thực để thực hiện cam kết chính trị của mình đối với cộng đồng quốc tế trong phòng, chống dịch bệnh. Việt Nam luôn chủ động tham gia nhiều chương trình sáng kiến toàn cầu, là một trong hai quốc gia đầu tiên triển khai Dự án An ninh Y tế toàn cầu. Cùng với Indonesia và Senegal, Việt Nam là nước đi đầu trong việc thực hiện gói hành động Phòng chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người (ZDAP); tham gia vào Gói hành động đáp ứng khẩn cấp… Đồng thời, Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá cao việc thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế (IHR) qua kết quả đánh giá độc lập chung (JEE) năm 2016…
Sự phối hợp chặt chẽ, toàn diện, đa ngành giữa Bộ Y tế với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành liên quan trong những năm qua đã được minh chứng bằng việc khống chế có hiệu quả dịch cúm gia cầm và cúm ở người, sau đó được mở rộng sang phòng, chống các dịch bệnh khác lây truyền từ động vật sang người như: dại, than, MERS-CoV, Ebola, … cũng như các vấn đề khác như kháng kháng sinh, bệnh lây truyền từ thực phẩm…
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cam kết, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tham gia một cách tích cực, thúc đẩy và triển khai một cách hiệu quả hơn nữa các hoạt động phòng chống dịch bệnh, bao gồm cả các dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người. Đồng thời, Thứ trưởng cũng bày tỏ mong muốn các tổ chức quốc tế thông qua Đối tác Một sức khỏe, tiếp tục có một cam kết hỗ trợ lâu dài cho Việt Nam thực hiện thành công “Kế hoạch Chiến lược Một sức khỏe Quốc gia phòng chống bệnh truyền lây giữa động vật và người (OHSP), giai đoạn 2016 – 2020”, góp phần hướng tới một thế giới an ninh và an toàn hơn trước các bệnh truyền nhiễm.
Theo Nhandan
Ý kiến ()