Hơn 7.200 trẻ em, vị thành niên tử vong do tai nạn thương tích mỗi năm
Thống kê của Cục Y tế dự phòng và môi trường cho biết, trung bình mỗi năm có khoảng 7.253 trẻ em, vị thành niên tử vong do tai nạn thương tích.
– Thống kê của Cục Y tế dự phòng và môi trường cho biết, trung bình mỗi năm có khoảng 7.253 trẻ em, vị thành niên tử vong do tai nạn thương tích.
Nguyên nhân hàng đầu: tai nạn giao thông, đuối nước
Đây là thông tin do tiến sĩ Lương Mai Anh, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường, Bộ Y tế, đưa ra tại hội nghị triển khai Quyết định số 2158/QĐ-Ttg về Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2013-2025 diễn ra ngày 11-12, tại Hà Nội do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức.
Số liệu trong giai đoạn từ năm 2005-2012 cho thấy, trung bình mỗi năm có khoảng 7.253 trẻ em và vị thành niên tử vong do tai nạn thương tích. Riêng năm 2012, có 7.211 trẻ em tử vong.
Tiến sĩ Lương Mai Anh nhấn mạnh, tai nạn thương tích ngày càng gia tăng. Nguyên nhân hàng đầu gây nên những cái chết đáng tiếc ở trẻ em là tai nạn giao thông, đuối nước, bỏng, ngộ độc…
Về mặt khách quan, nguy cơ gây tai nạn thương tích với trẻ em chưa được cải thiện nhiều bởi nhận thức của cộng đồng, môi trường, cơ sở vật chất chưa bảo đảm an toàn trong sinh hoạt, trong gia đình, trường học và nơi công cộng.
Ngoài ra, công tác truyền thông phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em còn hạn chế, thiếu các khóa tập huấn và các tài liệu hướng dẫn xử trí sơ cấp cứu tai nạn thương tích trẻ em. Đặc biệt,do hạn chế trong phong tục, tập quán của người dân một số địa phương, hoạt động giám sát đuối nước và nguyên nhân gây đuối nước của ngành y tế còn gặp khó khăn.
Trước mắt, ngành y tế sẽ cố gắng nâng cao chất lượng hệ thống thu thập thông tin, báo cáo tai nạn thương tích của Bộ Y tế để đưa vào niên giám thống kê ngành hằng năm. Thí điểm hệ thống giám sát tai nạn thương tích trẻ em tại các bệnh viện theo AIS và mô hình giám sát tai nạn thương tích trẻ em, đuối nước, tai nạn giao thông.
Các can thiệp phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em cần chú trọng tới xây dựng Tiêu chuẩn cộng đồng an toàn Việt Nam, cộng đồng an toàn, gia đình an toàn, trường học an toàn cho trẻ em; lồng ghép tiêu chí phòng, chống tai nạn thương tích vào trong các tiêu chí của gia đình và làng văn hóa chăm sóc sức khỏe.
Tính đến tháng 12 năm nay, cả nước mới có 68 cộng đồng an toàn Việt Nam tại 17 tỉnh, thành phố và mười cộng đồng an toàn quốc tế.
Ba triệu ngôi nhà an toàn cho trẻ
Thạc sĩ – bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), cho biết, Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2013-2025 đã được Chính phủ phê duyệt đặt mục tiêu, đến năm 2015 sẽ đạt ba triệu ngôi nhà an toàn với các hộ gia đình có trẻ em đạt tiêu chí này, giảm 15% số trẻ em bị tử vong do đuối nước so với năm 2012.
Ngoài ra, chương trình này sẽ tăng cường tuyên truyền, giúp các bậc cha mẹ/người chăm sóc trẻ nhận biết các mối hiểm họa chung quanh và trong nhà có thể gây tai nạn thương tích cho trẻ em; đồng thời biết cách loại bỏ các mối hiểm họa có nguy cơ gây tai nạn thương tích cho các em.
Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp đánh giá, tai nạn thương tích ở trẻ em để lại hậu quả nặng nề, tạo gánh nặng cho các gia đình cũng như xã hội. Tỷ suất tử vong do đuối nước ở trẻ em Việt Nam hiện cao nhất trong khu vực, và gấp mười lần so với các nước phát triển. Do đó, Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2013-2015 ra đời dựa trên cách tiếp cận mang tính toàn diện, đa ngành đã được triển khai thành công tại các nước phát triển trên thế giới.
Những mục tiêu của chương trình nhằm hướng tới năm 2015 sẽ giảm trẻ em bị tai nạn thương tích và tử vong do tai nạn thương tích, đặc biệt là tử vong do đuối nước; xây dựng môi trường an toàn tại gia đình, cộng đồng, trường học, bến tàu thuyền, khu vui chơi dưới nước và phát triển các kỹ năng an toàn dưới nước cho trẻ em, đặc biệt là là tăng số trẻ em tiểu học, THCS biết bơi.
Các giải pháp chủ yếu tập trung vào việc xây dựng văn bản luật pháp, chính sách về an toàn tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, tăng cường công tác truyền thông đại chúng, xây dựng các mô hình an toàn như Ngôi nhà an toàn, Trường học an toàn, Cộng đồng an toàn, triển khai công tác phòng, chống đuối nước trẻ em và đặc biệt cần phải xây dựng một cơ chế phối hợp liên ngành, xã hội hóa công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()