Hơn 60 nghìn ha rừng ở Đác Lắc bị tàn phá, lấn chiếm trái phép
Mới đây, UBND tỉnh Đác Lắc công bố con số thống kê diện tích rừng giao, cho thuê trên địa bàn tỉnh Đác Lắc bị tàn phá, lấn chiếm lên tới 60.305,3 ha. Số liệu này được công bố chính thức tại hội nghị tổng kết công tác giao rừng, cho thuê rừng và giao đất lâm nghiệp do UBND tỉnh Đác Lắc tổ chức tại thành phố Buôn Ma Thuột.
Thực hiện chủ trương giao rừng, cho thuê rừng gắn với đất lâm nghiệp, đến thời điểm hiện nay tỉnh Đác Lắc đã giao rừng, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp được 621.808 ha trong tổng số 721.786 ha rừng và đất lâm nghiệp toàn tỉnh. Trong đó, giao rừng với diện tích 279.694,50 ha và cho thuê rừng với diện tích 40.388,13 ha, chiếm 44,3% diện tích đất lâm nghiệp toàn tỉnh.
Tuy nhiên, mới đây các ngành chức năng của tỉnh Đác Lắc đã tiến hành kiểm tra đối chiếu với diện tích giao rừng, cho thuê rừng ban đầu thì phát hiện diện tích rừng bị phá và lấn chiếm lên tới 60.305 ha.
Cụ thể, diện tích rừng giao cho các công ty lâm nghiệp quản lý bị phá, lấn chiếm là 17.610 ha. Diện tích rừng giao cho các hộ gia đình, cộng đồng quản lý bị phá, lấn chiếm là 10.610 ha. Diện tích rừng và đất lâm nghiệp cho các tổ chức kinh tế và các tổ chức sự nghiệp khác thuê để thực hiện các dự án nông-lâm nghiệp bị phà là 3.265 ha. Diện tích rừng giao cho các Ban quản lý rừng phòng hộ bị phá là 1.825 ha và Ban quản lý rừng đặc dụng quản lý bị phá là 1.760 ha. Diện tích rừng chưa giao, hiện nay do UBND các xã quản lý bị phá, lấn chiếm 25.458 ha…
Theo đánh giá của UBND tỉnh Đác Lắc, nguyên nhân dẫn đến tình trạng rừng trên địa bàn tỉnh được giao, cho thuê quản lý, bảo vệ bị chặt phá, lấn chiếm với diện tích lớn như vậy là do công tác quản lý, bảo vệ rừng đã giao của các chủ rừng chưa có hiệu quả. Một số địa phương diện tích rừng đã giao vẫn bị xâm hại, chặt phá, lấn chiếm trái phép nghiêm trọng nhưng chưa có biện pháp ngăn chặn. Công tác quản lý, bảo vệ rừng, tổ chức sản xuất, kinh doanh và phát triển rừng của các chủ rừng chưa theo phương án giao rừng đã được phê duyệt và thực hiện chưa hiệu quả. Một số địa phương trong tỉnh, công tác giao rừng chưa được thực hiện nghiêm túc, triển khai chậm, thiếu hướng dẫn, kiểm tra trong quá trình tổ chức giao, nhận rừng.
Trong quá trình tổ chức giao, nhận rừng, sự phối hợp giữa các ngành liên quan trong chỉ đạo triển khai chưa chặt chẽ. Đặc biệt là giữa ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn với ngành tài nguyên và môi trường trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp và ngành tài chính trong cấp phát vốn.
Đối với cấp huyện, sự phối hợp chỉ đạo, theo dõi giữa các phòng liên quan trong công tác giao rừng cho các hộ gia đình thiếu đồng bộ, nhất quán, không xây dựng kế hoạch chi tiết nên khi thực hiện gặp nhiều vướng mắc nhưng giải quyết không thấu đáo kịp thời.
Trách nhiệm pháp lý trong giao rừng chưa được xác lập, trình tự chưa tuân thủ đúng quy định, ranh giới vị trí địa điểm giao cho từng đối tượng không rõ ràng trên thực địa, diện tích hiện trạng trên thực tế không đúng với hồ sơ giao rừng. Thậm chí một số hồ sơ giao rừng chỉ có quyết định giao rừng, không có số liệu tài nguyên rừng, bản đồ hiện trạng rừng…
Phần lớn các chính sách và quy định trong lĩnh vực giao đất, giao rừng hiện hành chỉ mới giải quyết được phần “tiên”, còn phần “hậu giao đất rừng” chưa có, khiến người dân còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng sau khi nhận đất, nhận rừng. Các chế độ cho người dân nhận quản lý, bảo vệ rừng còn thấp, người dân vẫn chưa thể sống được bằng nghề rừng nên họ chưa làm hết trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, thậm chí còn buông lỏng, tiếp tay cho việc phá rừng…
Tình trạng tranh chấp đất đai, phá rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp đã giao trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp, thậm chí thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh còn xảy ra tình trạng người dân ở xã này sang phá rừng ở xã khác…
Do những tồn tại, bất cập nêu trên dẫn đến hàng chục nghìn ha rừng trên địa bàn tỉnh Đác Lắc được giao, cho thuê quản lý, bảo vệ bị tàn phá, lấn chiếm trái phép. Nếu các cấp, các ngành ở Đác Lắc không sớm chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, nêu trên thì những diện tích rừng tự nhiên còn lại ở Đác Lắc cũng khó mà quản lý được.
Theo Nhandan
Ý kiến ()