Hơn 55.000 người được trang bị kiến thức về phòng ngừa thiên tai
Sau hơn 3 năm triển khai, hơn 55 nghìn người dân và học sinh tiểu học được trang bị kiến thức về phòng ngừa thiên tai, thảm họa và bình đẳng giới.
Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm Dự án “Quản lý rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng có lồng ghép giới tại các vùng dân tộc thiểu số Tây Bắc Việt Nam” do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức ngày 5/10 tại Hà Nội.
Dự án do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thực hiện với sự hỗ trợ của Hội Chữ thập đỏ Pháp, Hội Chữ thập đỏ Mỹ và Cơ quan phát triển Pháp triển khai từ 4/2014 đến tháng 9/2017 ở 12 xã, phường dân tộc thiểu số tại tỉnh Lai Châu và Sơn La, với tổng ngân sách 39 tỷ đồng.
Sau hơn 3 năm triển khai, Dự án đã thực hiện 12 cuộc đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương và năng lực ứng phó với thảm họa dựa vào cộng đồng; thành lập 2 đội ứng phó thảm họa cấp tỉnh, 12 đội Cộng đồng ứng phó với thảm họa; hơn 55.000 người dân và học sinh tiểu học được trang bị kiến thức về phòng ngừa thiên tai, thảm họa và nâng cao bình đẳng giới; tập huấn kiến thức về phòng ngừa thiên tai, thảm họa, trường học an toàn cho hàng nghìn học sinh, giáo viên tiểu học. Dự án góp phần nâng cao khả năng thích ứng của người dân vùng Tây Bắc đối với tác động của thiên tai, giúp tăng cường năng lực của chính quyền cũng như người dân các vùng dân tộc thiểu số dễ bị tổn thương nhằm giảm thiểu rủi ro và ứng phó thảm họa.
Anh Lò Văn Tân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Khoen On, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu cho biết: “Sau Dự án, xã được hưởng lợi về kiến thức để phòng tránh thiên tai; thiết bị để phòng chống thiên tai như kè chống lũ và 12 cụm loa. Về kè chống lũ thì ở khu vực đó có khoảng 30 hộ dân cứ đến mùa mưa lũ thì nước dồn lại, trôi vào nhà. Sau khi có kè này thì dân ở khu vực này không bị ảnh hưởng nữa”.
Xuyên suốt quá trình thực hiện Dự án, việc lồng ghép giới luôn được coi là một hợp phần quan trọng và xuyên suốt trong mọi hoạt động. Cụ thể, tổ chức tập huấn lồng ghép giới và đa dạng trong tình huống khẩn cấp, thực hiện các chiến dịch nâng cao nhận thức giới đa dạng và sinh động như: truyền thông trực tiếp, tổ chức cuộc thi ảnh, cuộc thi kể chuyện qua ảnh, tổ chức các tọa đàm, hội thi…Sau khi Dự án kết thúc, hiệu quả của dự án tiếp tục được duy trì và nhân rộng thông qua vận động chính quyền của địa phương tiếp tục sử dụng sản phẩm của Dự án; tiếp tục đưa các hoạt động của Dự án lồng ghép với hoạt động phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Về tính bền vững của Dự án, ông Trần Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết: “Các cấp Hội Chữ thập đỏ ở địa phương tiếp tục sử dụng nguồn lực sẵn có, phương tiện, cách thức ứng phó với thiên tai khi có sự cố bất ngờ ập đến. Chúng tôi cũng cố gắng trong các hoạt động vận động các đối tác đưa thêm chương trình, dự án hoặc các hoạt động lên vùng núi phía Bắc để tiếp tục nâng cao nhận thức cộng đồng và cấp ủy chính quyền về rủi ro thảm họa trong bối cảnh biến đổi khí hậu”./.
Theo dangcongsan
Ý kiến ()