Hơn 500.000 học sinh, sinh viên tham gia Cuộc thi 'Đại sứ Văn hóa đọc năm 2019'
Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTT&DL) Vũ Dương Thúy Ngà giới thiệu về Cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc năm 2019”. |
Tại Hà Nội, ngày 17/4, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTT&DL) Vũ Dương Thúy Ngà đã có những chia sẻ về Cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc năm 2019” do Bộ VHTT&DL tổ chức được phát động từ tháng 2/2019.
TS. Vũ Dương Thúy Ngà cho biết: “Việc đọc sách và ham đọc sách là truyền thống của người Việt Nam. Nó đã làm nên nét đẹp trong truyền thống văn hóa của người Việt Nam. Để phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, nâng cao nội lực của người Việt Nam, đặc biệt là học sinh sinh viên trong việc tiếp cận với thông tin và tri thức, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Từ đó đến nay, phong trào đọc cả nước đặc biệt là trong khối nhà trường cũng đã được khơi dậy, phát triển và lan tỏa”.
Cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc năm 2019” là hoạt động dành cho các em học sinh, sinh viên với mục đích khơi dậy niềm đam mê đọc sách đối với lứa tuổi thanh thiếu nhi, từ đó vun đắp tình yêu đọc sách, khuyến khích, thúc đẩy phong trào đọc trong thế hệ trẻ, hình thành thói quen và kỹ năng đọc sách cho học sinh, sinh viên – một yếu tố quan trọng góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng. Thông qua Cuộc thi sẽ tìm ra những gương mặt tiêu biểu để thắp sáng ngọn lửa đam mê đọc sách, truyền cảm hứng và lan tỏa tình yêu với sách.
Cuộc thi được tổ chức theo hai vòng, vòng sơ khảo tại các địa phương và trường đại học/học viện; vòng chung kết được tổ chức tại Hà Nội. Các em học sinh, sinh viên tham gia cuộc thi sẽ được lựa chọn các câu hỏi về chia sẻ cuốn sách yêu thích, phương pháp đọc hiệu quả, sáng tác tác phẩm hoặc viết tiếp lời cho một câu chuyện, đề ra kế hoạch và biện pháp khuyến đọc… và trình bày bài dự thi theo một trong hai hình thức viết hoặc quay clip, bằng tiếng Việt hoặc song ngữ Việt Anh.
Sau 3 tháng phát động và triển khai cuộc thi, theo báo cáo của các địa phương và các trường đại học/học viện đã có hơn 500.000 học sinh, sinh viên tham gia cuộc thi vòng sơ khảo. Một số tỉnh, thành phố có số lượng bài dự thi đông như: Nghệ An, Phú Thọ, Bắc Giang, Hải Phòng, Cần Thơ, Gia Lai… Đặc biệt, cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các em học sinh khiếm thị trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu tại Hà Nội.
TS. Vũ Dương Thúy Ngà chia sẻ niềm vui khi thấy các em sinh viên tích cực tham gia cuộc thi này, để nhìn lại sách đã có tác dụng như thế nào đối với chính mình, sách làm thay đổi cuộc sống của con người ra làm sao. “Thông qua cuộc thi này, chúng ta sẽ vun đắp được tình yêu đọc sách, cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm, biện pháp và những hồi ức về những cuốn sách hay đã làm thay đổi cuộc sống, làm thay đổi nhận thức của chúng ta”, TS. Vũ Dương Thúy Ngà nhấn mạnh.
Sau khi tiến hành chấm, các tỉnh, thành phố và trường đại học, học viện đã lựa chọn các bài dự thi xuất sắc nhất gửi về Bộ VHTT&DL tham dự vòng chung kết.
Đến nay, Ban tổ chức đã nhận được hơn 1.000 bài dự thi, trong đó có hàng chục bài dự thi được quay clip thể hiện những thuyết trình của các em về phương pháp đọc và tình yêu cuộc sống. Qua đánh giá sơ bộ, các bài dự thi đều có chất lượng tốt, có nhiều ý tưởng hay, độc đáo. Nhiều cuốn sách, tác phẩm được các em chia sẻ có nội dung về Chủ tịch Hồ Chí Minh, các tác phẩm văn học trong nhà trường, các câu chuyện cổ tích, tấm gương nghị lực, vượt khó vươn lên trong cuộc sống, tình thầy trò, tình cảm với người thân trong gia đình và các mối quan hệ xã hội.
Nhiều bài viết ghi lại những cảm nhận sâu sắc của các em học sinh, sinh viên tạo sự xúc động và hiệu ứng mạnh đối với người đọc; những ý tưởng hay, độc đáo, mới lạ cũng được các em đưa ra. Nhiều bài dự thi được các em viết tay với những nét chữ đẹp, tranh minh họa sinh động, đẹp mắt, trang trí đẹp, công phu, chi tiết phù hợp với nội dung.
Ban Tổ chức sẽ tiến hành trao giải cho các bài thi xuất sắc nhất, dự kiến vào tháng 5 tại Hà Nội.
Ý kiến ()