Hơn 5 triệu cuộc gọi được Tổng đài 111 tiếp nhận, xử lý
Mỗi năm Tổng đài điện thoại quốc gia Bảo vệ trẻ em (Tổng đài 111) tiếp nhận gần 500.000 cuộc gọi của trẻ em và người lớn; tư vấn cho hơn 30.000 cuộc gọi, can thiệp, hỗ trợ khoảng 1.000 ca…
Sáng 22/6, tại Hà Nội, Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) phối hợp Tổ chức Childfund Việt Nam tổ chức hội thảo tham vấn và hoàn thiện kế hoạch truyền thông Tổng đài điện thoại quốc gia Bảo vệ trẻ em năm 2023-2024, nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức và sự tiếp cận của trẻ em và người dân biết, sử dụng các dịch vụ của Tổng đài.
Theo thống kê của Cục Trẻ em, trong 19 năm hoạt động, Tổng đài 111 đã tiếp nhận gần 5,4 triệu cuộc gọi, tư vấn469.408 cuộc gọi và hỗ trợ, can thiệp cho 9.601 ca trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực, bị mua bán, bị bóc lột, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và vi phạm quyền trẻ em.
Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng trẻ em và cha mẹ, người dân biết Tổng đài và sử dụng các dịch vụ của Tổng đài cũng còn thấp so tổng số gần 100 triệu người, trong đó có khoảng 23 triệu trẻ em.
Toàn cảnh hội thảo tham vấn và hoàn thiện kế hoạch truyền thông Tổng đài 111. |
Tại hội thảo, Giám đốc Trung tâm tư vấn và dịch vụ truyền thông (Cục Trẻ em) Vũ Văn Dũng cho biết: “Qua khảo sát, nghiên cứu cho thấy, chỉ có 1/3 phụ huynh nhận thức được việc trẻ có nguy cơ bị xâm hại trong gia đình có thể báo cáo cho Ủy ban nhân dân xã hoặc Tổng đài 111. Và điều đáng quan tâm, trẻ em lại là nhóm chưa được tiếp cận và có nhận thức thấp nhất về vai trò của Tổng đài 111″…
Báo cáo Nghiên cứu đánh giá nhận thức về chức năng, nhiệm vụ của Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em và thực trạng việc báo cáo các trường hợp trẻ em bị xâm hại thực hiện năm 2023, cho thấy, chỉ có 1/3 cha mẹ nhận thức được khi trẻ có nguy cơ bị xâm hại ở trong gia đình có thể báo cáo cho Ủy ban nhân dân xã hoặc Tổng đài 111; chưa đến 1/2 số cán bộ, giáo viên và chỉ có khoảng 1/5 cha mẹ biết có thể báo cáo với Tổng đài 111 và Ủy ban nhân dân xã khi trẻ có nguy cơ bị xâm hại ở trong nhà trường; số người tiếp cận trực tiếp với Tổng đài 111 rất ít, chỉ chiếm 1,4% tổng số người tham gia vào nghiên cứu.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, giáo viên và cán bộ là hai nhóm biết số Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em nhiều nhất trong khi đó cha mẹ/người chăm sóc là nhóm có số người biết về Tổng đài ít nhất. Trẻ em là nhóm có nhận thức thấp nhất về vai trò và chức năng của Tổng đài…
Thảo luận tại hội thảo, nhiều ý kiến đại biểu cũng cho rằng, vẫn còn nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với Tổng đài 111, đặc biệt là vấn đề bảo mật thông tin.
“Cha mẹ hay người chăm sóc trẻ còn có tâm lý e ngại chưa gọi điện cho tổng đài vì sợ ảnh hưởng đến trẻ em, sợ bản thân mình thiếu hiểu biết và sợ bị lộ thông tin” – bà Lê Ngọc Bảo, Trưởng phòng Chương trình, Tổ chức Childfund tại Việt Nam chia sẻ.
Những kết quả khảo sát cũng cho thấy, cần tăng cường việc truyền thông về quy trình tiếp nhận thông tin của Tổng đài 111, nguyên tắc bảo mật khi tiếp nhận thông tin và tư vấn, kỹ năng tư vấn của cán bộ Tổng đài để trẻ em và cha mẹ có thể tiếp cận với Tổng đài với tâm lý thoải mái và yên tâm hơn.
Với mục tiêu tăng tỷ lệ trẻ em, cha mẹ, thầy cô giáo, người chăm sóc trẻ, người làm công tác trẻ em, cán bộ, ban, ngành liên quan và cộng đồng nói chung biết chức năng, nhiệm vụ của Tổng đài 111 và sử dụng các dịch vụ của Tổng đài, Kế hoạch truyền thông Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em cũng đặt mục tiêu có 3 triệu người tiếp cận các sản phẩm truyền thông, thông tin về tổng đài; tăng 10% số cuộc gọi đến, thông báo trên app của Tổng đài…
Ý kiến ()