Hơn 30 triệu đàn ông Trung Quốc "khó lấy vợ"
Tình trạng chênh lệch giới tính khi sinh khá cao diễn ra trong suốt 40 năm, dẫn đến một số người sống độc thân một cách thụ động. Có hơn 30 triệu đàn ông Trung Quốc không tìm được bạn đời.
Đồ họa về “áp lực hôn nhân” trong xã hội Trung Quốc. (Ảnh: huarenjie.com) |
Đây là thông tin được ông Yuan Xin, giáo sư Đại học Nam Khai, Phó Chủ tịch Hội Dân số học Trung Quốc cho biết khi trao đổi với truyền thông nước này về thực trạng và những bài toán dân số hiện nay.
Từng là trưởng nhóm chuyên gia quản trị tỷ số giới tính khi sinh toàn quốc, ông Yuan Xin nhận định, việc hàng triệu nam giới thiếu đối tượng trong độ tuổi phù hợp để kết hôn đã trở thành “việc đã rồi”, các hiện tượng và vấn đề xã hội như mất cân bằng giữa nam và nữ trong độ tuổi kết hôn, số lượng người kết hôn ít đi, tỷ lệ ly hôn ngày càng cao đã xuất hiện, cần phải nỗ lực ứng phó một cách tích cực và chủ động.
Theo vị chuyên gia này, tỷ số giới tính khi sinh phản ánh số trẻ sơ sinh là nam tương ứng với 100 trẻ sơ sinh là nữ bình quân trong năm, mức thông thường là 105±2. Tuy nhiên, từ năm 1982, tỷ lệ này ở Trung Quốc đã đạt 108,5, cao hơn giới hạn trên là 107.
Sau đó, tỷ số giới tính khi sinh liên tục tăng, và đạt mức cao nhất là 121,2 vào năm 2004. Sau nhiều nỗ lực kiểm soát của nhà nước, tỷ lệ đó giảm xuống 111,3 năm 2020 và 108,3 năm 2021.
Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh diễn ra trong suốt hơn 40 năm, dẫn đến số lượng nam nhiều hơn nữ khoảng 34 đến 35 triệu người. Điều này có nghĩa là, ít nhất có hơn 30 triệu đàn ông Trung Quốc không thể tìm được vợ Trung Quốc nếu họ muốn kết hôn.
Lý giải về tình trạng chênh lệch giới tính khi sinh, giáo sư Yuan Xin cho rằng, điều này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân tổng hợp, như chính sách kế hoạch hóa sinh đẻ chỉ cho phép sinh 1 con ở giai đoạn đầu, và cả những yếu tố phát triển kinh tế-xã hội về sau. Điều này tất yếu sẽ dẫn đến các bài toán như cạnh tranh trong hôn nhân ngày càng cao, “thách cưới cao”, chi phí hôn nhân lớn, tỷ lệ ly hôn ngày càng cao, thậm chí là các vụ án liên quan đến trật tự xã hội trong lĩnh vực này cũng gia tăng.
Tuy nhiên, theo ông Yuan Xin, một trong những bài toán cần quan tâm nhất trong giai đoạn hiện nay, là vấn đề chăm sóc người già, nhất là người độc thân, mà một tỷ lệ lớn là nam giới độc thân. Đây được coi là những “đối tượng đặc biệt khó khăn” trong chăm sóc khi về già, vì họ không có bạn đời và con cái, phụ thuộc hoàn toàn vào an sinh xã hội và các dịch vụ chăm sóc người già.
Để giải quyết bài toán này, cần can thiệp và chuẩn bị từ sớm, tăng cường cảnh báo các rủi ro, chủ động đối mặt với một xã hội mất cân bằng giới tính, với một mô hình quản trị tổng thể quốc gia bao gồm cả quản trị nguyên nhân, quản trị hậu quả và quản trị rủi ro, có sự tham gia của các cá nhân, gia đình và xã hội.
Nguồn:https://nhandan.vn/hon-30-trieu-dan-ong-trung-quoc-kho-lay-vo-post771986.html
Ý kiến ()