Hơn 3,5 triệu người hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên
Số người hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên như các đối tượng người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ mồ côi, người nghèo… ở nước ta đã đạt 3,509 triệu người, chiếm tỷ lệ 3,5% dân số.
Chi trả tiền hỗ trợ dịch Covid-19 cho các đối tượng người có công và bảo trợ xã hội ở quận Đống Đa, Hà Nội vào tháng 5/2020. (Ảnh: Duy Linh) |
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, số người hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên (người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ mồ côi, người nghèo,…) tăng lên hằng năm. Vào năm 2020, có 3,042 triệu người, bao phủ hơn 3% dân số, được hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên. Đến năm 2021, con số này tăng lên 3,509 triệu người, tương đương 3,5% dân số.
Thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động, từ năm 2021 đến nay, trung ương và các địa phương đã dành tổng kinh phí hơn 87 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho 55,68 triệu lượt người dân, người lao động và gần 1 triệu lượt người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Từ năm 2021 đến nay, trung ương và các địa phương đã dành tổng kinh phí hơn 87 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho 55,68 triệu lượt người dân, người lao động và gần 1 triệu lượt người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Với các nhóm đối tượng yếu thế như các hộ nghèo, hộ cận nghèo, chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2022-2025 đã được điều chỉnh tăng mức chuẩn nghèo thu nhập (gấp hơn 2 lần và bằng với mức sống tối thiểu năm 2021), mở rộng tiêu chí nghèo đa chiều. Qua đó, số lượng hộ gia đình được tiếp cận chính sách giảm nghèo đã được tăng thêm khoảng 1,88 triệu hộ, tương đương 7,5 triệu nhân khẩu.
Năm 2021, Chính phủ đã đồng thời tăng mức trợ cấp thường xuyên hằng tháng (mức trợ cấp cơ bản tăng 33%) và mở rộng các nhóm đối tượng hưởng trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng (người cao tuổi, trẻ em). Số người hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên (người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ mồ côi, người nghèo,…) tăng lên hằng năm, đạt 3,042 triệu người (bao phủ hơn 3% dân số) năm 2020; đạt 3,509 triệu người (3,5% dân số) năm 2021.
Cũng theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, trong thời gian tới, sẽ đẩy nhanh việc xây dựng, tích hợp hệ thống thông tin để xác định, định danh làm căn cứ hỗ trợ xã hội đối với người lao động thông qua xác định mã định danh công dân (thẻ căn cước công dân).
Đồng thời, xây dựng hệ thống trợ giúp xã hội linh hoạt, thích ứng với các rủi ro: chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội, phát triển các kênh thanh toán trực tuyến để hỗ trợ người dân và các tổ chức đoàn thể địa phương để xác định đối tượng nhanh, trúng và đầy đủ hơn.
Cùng với đó, phát triển hệ thống trợ giúp xã hội khẩn cấp đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân trong mọi tình huống khẩn cấp; huy động nguồn lực xã hội, người dân và doanh nghiệp trong thực hiện chính sách trợ giúp xã hội nhằm bảo đảm an sinh xã hội toàn dân, không để ai bỏ lại phía sau.
Trước đó, vào tháng 1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021-2030.
Mục tiêu chung của chương trình là tiếp tục đẩy mạnh phát triển công tác xã hội tại các ngành, các cấp, phù hợp điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của đất nước theo từng giai đoạn. Thêm vào đó, bảo đảm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về công tác xã hội; đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ công tác xã hội trên các lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ công tác xã hội của người dân, hướng tới mục tiêu phát triển xã hội công bằng và hiệu quả.
Cũng theo chương trình này, từ năm 2021 đến năm 2025, bảo đảm ít nhất 85% trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em là nạn nhân chất độc hóa học, trẻ em khuyết tật nặng và trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh được trợ giúp xã hội và được cung cấp dịch vụ công tác xã hội phù hợp từ nguồn lực xã hội hóa. Tỷ lệ này sẽ được nâng lên mức 90% trong giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030.
Ý kiến ()