Hơn 27,7 triệu lượt khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong 2 tháng đầu năm
Trong 2 tháng đầu năm 2024, có hơn 27,7 triệu lượt khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Con số này tăng hơn 3 triệu lượt, tương đương mức tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2023. Số tiền đề nghị thanh toán là hơn 19,3 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 20 % so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngày 12/3, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm y tế 9 tháng cuối năm 2024.
Trong năm 2024, tiếp tục phải triển khai thực hiện các quy định mới, có tác động lớn đến công tác bảo hiểm y tế, đặc biệt là các quy định tại Nghị định số 75, Nghị định số 96 hướng dẫn Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Nghị định số 24 hướng dẫn Luật Đấu thầu..
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Đức Hòa nhấn mạnh, bước sang năm 2024, việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế có thuận lợi và khó khăn đan xen là thách thức lớn, đòi hỏi toàn ngành cần đoàn kết, và nỗ lực với trách nhiệm cao nhất để thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Trong 9 tháng còn lại của năm 2024, nhiều thách thức đặt ra cho công tác bảo hiểm y tế từ việc tăng độ bao phủ bảo hiểm y tế theo mục tiêu đã đặt ra, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế và quản lý, sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế hiệu quả, đúng quy định.
Trong năm 2024, tiếp tục phải triển khai thực hiện các quy định mới, có tác động lớn đến công tác bảo hiểm y tế, đặc biệt là các quy định tại Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19/10/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 (Nghị định số 75), Nghị định số 96 hướng dẫn Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Nghị định số 24 hướng dẫn Luật Đấu thầu... Các quy định mới của Nghị định số 75 cần phải triển khai ngay. Đó là: Quy định về lập, giao dự toán chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và thông báo số dự kiến chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, trách nhiệm của cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam phải thực hiện rà soát, phát hiện và gửi thông tin cảnh báo kịp thời cho cơ sở khám, chữa bệnh về các chi phí khám, chữa bệnh tăng cao so với mức chi phí bình quân của cơ sở khám, chữa bệnh cùng hạng, cùng tuyến, cùng chuyên khoa.
Việc bỏ quy định về tổng mức thanh toán đặt ra cho cơ quan bảo hiểm xã hội phải có các giải pháp quản lý sử dụng quỹ hiệu quả thông qua việc giao dự toán và giám sát quá trình thực hiện hợp đồng. Quy định đã được thể chế nhưng công tác tổ chức thực hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27/02/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, theo đó điều chỉnh việc tham gia của cơ quan bảo hiểm xã hội chỉ tham gia khâu xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu của các Hội đồng đấu thầu tập trung.
Như vậy, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ cần tập trung vào việc tham gia thẩm định Kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với mua sắm tập trung và đàm phán giá. “Những thay đổi này phù hợp với trách nhiệm của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho thấy sự tham gia của Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong xây dựng các văn bản pháp luật đã phát huy hiệu quả tốt”, ông Nguyễn Đức Hòa đánh giá.
Các số liệu cho thấy, thời gian qua, bảo hiểm xã hội các tỉnh đã có nhiều cố gắng trong kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh cũng như bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế. Tuy nhiên chi phí khám, chữa bệnh ngày càng gia tăng đặc biệt sau khi Nghị định số 75 có hiệu lực và áp dụng giá dịch vụ theo Thông tư số 22 của Bộ Y tế.
Trong 2 tháng đầu năm 2024, số lượt khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế là 27,73 triệu lượt; tăng 3,07 triệu lượt, tương đương tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2023. Số tiền đề nghị thanh toán là 19.316,15 tỷ đồng; tăng 3.250,26 tỷ đồng, tăng 20,23% so với cùng kỳ năm 2023…
Để nâng cao hiệu quả quản lý, kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ và bảo hiểm xã hội các địa phương phải tích cực tham gia vào quá trình xây dựng chính sách liên quan bảo hiểm y tế.
Cụ thể như, với Luật Bảo hiểm y tế, trong quan điểm chung của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam là ủng hộ mở rộng quyền lợi tốt nhất cho người tham gia. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng chính sách, cần phải đánh giá rõ ràng tác động mà các chính sách mới có thể mang lại, khả năng đáp ứng nguồn lực lâu dài để có các đề xuất phù hợp…
Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế cần tích cực tham gia xây dựng các thông tư, văn bản hướng dẫn dự toán chi, quyết toán năm 2023; đôn đốc các tỉnh thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2023 bảo đảm đúng tiến độ và quy định. Đồng thời, xây dựng kế hoạch làm việc với các địa phương có chi phí lớn, giải quyết các vướng mắc và bảo đảm quyền lợi cho người bệnh đồng thời với kiểm soát chi hiệu quả…
Trong năm 2023, cả nước có hơn 174,8 triệu lượt khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, tăng hơn 23,4 triệu lượt so với năm 2022. Kinh phí chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế khoảng 124,3 nghìn tỷ đồng..
Ý kiến ()