Hơn 165 tỷ đồng, 54 bị can trong vụ “chuyến bay giải cứu”: Đau đớn những con số biết nói!
Những chuyến bay giải cứu, chuyến bay hồi hương diễn ra từ cuối tháng 3/2020, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 lây lan, xuất phát từ tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”. Nhưng, những kẻ cơ hội lại lợi dụng chính sách rất nhân văn này để trục lợi cá nhân. Họ tự tạo cho mình tấm lá chắn là mang danh đi “giải cứu” đồng bào để lợi dụng chức vụ, quyền hạn tham ô, nhận hối lộ.
Một quy trình cấp phép được thiết lập đan xen, chặt chẽ, giám sát, kiểm soát lẫn nhau nhưng từng mắt xích lại tận dụng thời cơ để đòi phí “chung chi”, “bôi trơn”. Thậm chí, khi vụ án đang được khởi tố, điều tra lại có một số đối tượng liều lĩnh nhận tiền để bao che sai phạm, chạy án. Một “đại án” mà án chồng án, sai phạm nối tiếp sai phạm, khiến dư luận cả nước “bàng hoàng”, phẫn nộ.
VKSND Tối cao ban hành cáo trạng vụ án “Đưa hối lộ, môi giới hối lộ, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Bộ Ngoại giao, TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố, truy tố 54 bị can. Theo đó, truy tố 21 bị can về tội “Nhận hối lộ”, 23 bị can tội “Đưa hối lộ”, 4 bị can tội “Môi giới hối lộ”, 4 bị can tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Trong đó có nhiều bị can là quan chức bộ, ngành, địa phương đã nhận hối lộ từ hàng chục đến hàng trăm lần với tổng số tiền lên đến hơn 165 tỉ đồng.
Muốn được cấp phép thì phải… “bôi trơn”
Theo nội dung cáo trạng, khi dịch COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới, việc tổ chức chuyến bay cứu hộ là thực hiện chủ trương nhân đạo, thể hiện sự quan tâm hàng đầu của Đảng và Chính phủ trong công tác bảo hộ công dân. Văn phòng Chính phủ cùng các bộ: Công an, Quốc phòng, Ngoại giao, Y tế và Giao thông – Vận tải có nhiệm vụ tổ chức “chuyến bay giải cứu”; các tỉnh, thành tổ chức cách ly công dân khi về nước. Doanh nghiệp muốn cấp phép chuyến bay phải xin chủ trương cách ly từ các tỉnh, thành rồi nộp hồ sơ cho Bộ Ngoại giao. Hồ sơ sẽ trình Văn phòng Chính phủ sau khi được tổ công tác của các bộ thẩm định.
Bộ Ngoại giao được xem là “mắt xích” quan trọng khi thực hiện các chuyến bay với đầu mối là Cục Lãnh sự. Bộ Ngoại giao đã yêu cầu các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài quán triệt tinh thần bám trụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ, sẵn sàng bảo hộ công dân Việt Nam trong trường hợp cần thiết.
Từ tháng 4/2020 đến tháng 1/2022, Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) đã tập hợp, đề xuất lãnh đạo Chính phủ phê duyệt tổ chức thực hiện 772 chuyến bay đưa công dân từ nước ngoài về nước, trong đó có 400 chuyến bay giải cứu, 372 chuyến bay combo (vừa bay về nước, vừa được cách ly theo quy định). Tuy nhiên, quá trình cấp phép các chuyến bay, một số cán bộ tại Bộ Ngoại giao đã tạo thành nhóm lợi ích, đưa ra nhiều yêu cầu, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp phải tìm cách tiếp xúc, gặp gỡ, thỏa thuận và ra giá chung chi cho mỗi chuyến bay giải cứu. Từ đó, tạo cơ chế xin – cho, buộc doanh nghiệp phải nâng giá vé máy bay và các chi phí phát sinh khác để phục vụ việc “bôi trơn”, đưa hối lộ. Trong đó, ông Tô Anh Dũng, với chức vụ là thứ trưởng, có nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo, phê duyệt kế hoạch tổ chức chuyến bay theo đề xuất của Cục Lãnh sự trước khi xin ý kiến của tổ công tác 5 bộ.
Biết được vai trò của ông, 13 cá nhân đại diện doanh nghiệp đã tìm cách tiếp cận. Trong 9 tháng, từ giữa năm 2020, 13 cá nhân đại diện cho các doanh nghiệp đã nhiều lần gặp gỡ đặt vấn đề và chi hàng chục tỉ “bôi trơn” để được “qua cửa” ông Dũng. Ngoài ông Dũng, cựu Thứ trưởng Vũ Hồng Nam và 7 người khác của Bộ này bị quy kết nhận tiền “bôi trơn” từ các doanh nghiệp. Cấp dưới của ông Tô Anh Dũng là cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan bị xác định nhận hối lộ số tiền lớn nhất trong nhóm lãnh đạo, cán bộ thuộc Bộ Ngoại giao.
Theo cáo buộc, bà Nguyễn Thị Hương Lan có trách nhiệm giải quyết hồ sơ đăng ký tham gia các chuyến bay combo của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nữ cục trưởng chủ yếu chỉ lựa chọn các doanh nghiệp được cấp trên chỉ định, do người thân nhờ hoặc doanh nghiệp đã chi tiền trước để đưa vào danh sách đề xuất cấp phép chuyến bay. Nữ cục trưởng còn hướng dẫn doanh nghiệp mượn nhiều pháp nhân khác để được cấp nhiều chuyến bay mà không bị chú ý là doanh nghiệp được ưu tiên riêng của Cục Lãnh sự. Với doanh nghiệp chưa thỏa thuận đưa hối lộ, bà Lan và nhiều thuộc cấp gây khó dễ bằng cách không đưa vào danh sách (dù lãnh đạo Chính phủ đồng ý chủ trương cấp phép), thường xuyên thông báo ngày bay sát với ngày doanh nghiệp nhận được thông báo hoặc đổi kế hoạch bay… Mục đích việc gây khó này của bà Lan bị quy kết là để ép doanh nghiệp phải gặp gỡ và đưa hối lộ mới đề xuất cấp phép. Biết vai trò của bà Lan, từ tháng 5/2020 đến tháng 1/2022, 8 đại diện doanh nghiệp đã tiếp cận, đưa tiền cho nữ cục trưởng này để được cấp phép chuyến bay.
Qua cửa thì phải… chung chi
Bộ Y tế là một trong 5 bộ trong tổ công tác thực hiện đưa công dân về nước theo quyết định của Chính phủ. Tại đây, Cục Y tế dự phòng được giao nhiệm vụ phê duyệt hoặc từ chối đề xuất của Bộ Ngoại giao về tần suất, số lượng chuyến bay, phù hợp với tình hình dịch bệnh.
Theo nội dung cáo trạng của VKSND Tối cao, thời điểm đó, Bộ Y tế phân công Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên làm nhiệm vụ xem xét, duyệt ký văn bản trả lời Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan chức năng khi những nơi này xin ý kiến về chuyến bay giải cứu, chuyến bay combo và xin cho khách lẻ được về nước. Các cơ quan chức năng thông qua Phạm Trung Kiên (thư ký thứ trưởng) để trình thứ trưởng xem xét, ký duyệt văn bản trả lời. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, thư ký Kiên đã yêu cầu đại diện các doanh nghiệp, cá nhân chi tiền từ 50 triệu đến 200 triệu/một chuyến bay.
Đối với chuyến bay combo, thư ký Kiên ra giá với doanh nghiệp phải “chung chi” từ 500.000 – 2 triệu đồng một khách. Với hình thức “đếm đầu người” cho khách lẻ, ông Kiên ra giá 7-15 triệu đồng/khách. Phạm Trung Kiên bị xác định nhận tiền nhiều nhất, số lần lớn nhất mà chỉ trong thời gian 9 tháng có đến 253 lần nhận hối lộ với số tiền lên đến 42,6 tỉ.
Tại Bộ Công an, cựu Cục phó Cục Quản lý xuất nhập cảnh Trần Văn Dự được phân công duyệt, ký các văn bản trả lời Bộ Ngoại giao về kế hoạch tổ chức chuyến bay combo. 2 thuộc cấp Vũ Anh Tuấn (Phó Phòng Tham mưu) và Vũ Sỹ Cường (cựu cán bộ Phòng Tham mưu) được giao giúp việc cho ông Dự. Tuy nhiên, 3 cựu cán bộ công an này đã tạo thành một nhóm lợi ích từ liên hệ, gặp gỡ đến yêu cầu doanh nghiệp chung chi để được cấp phép chuyến bay. Trong đó ông Tuấn được giao liên hệ với doanh nghiệp, yêu cầu chi 50-200 triệu đồng trên một chuyến bay hoặc 500.000-1.500.000 đồng một hành khách, tùy thời điểm. Doanh nghiệp nào không chấp nhận “chung chi”, ông Tuấn sẽ gây khó dễ bằng cách không cho tổ chức chuyến bay hoặc trả lời vào sát ngày, cơ quan điều tra chỉ ra và cho rằng đây là hành vi nhũng nhiễu, ép doanh nghiệp chi tiền hối lộ. Ông Tuấn còn phối hợp với ông Phạm Trung Kiên (thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế đã nói ở trên) để gợi ý doanh nghiệp chi tiền nếu muốn được Bộ Y tế trả lời nhanh và ngược lại. Nhiều lần, ông Tuấn trực tiếp nhận tiền hối lộ hoặc chỉ đạo ông Cường nhận tiền thay mà không báo cáo ông Dự.
Cơ quan chức năng cáo buộc, ông Tuấn nhận tiền của doanh nghiệp nhiều nhất, 46 lần với tổng số 27,3 tỷ đồng, trong số này hưởng lợi 22,8 tỷ đồng. Ông Dự nhận hối lộ 7,6 tỷ đồng, Cường 9,3 tỷ. Thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, trách nhiệm của Bộ Giao thông – Vận tải trong các “chuyến bay giải cứu” là tiếp nhận, đề xuất, cho ý kiến về việc phê duyệt hoặc không phê duyệt kế hoạch tổ chức các chuyến bay, theo đề xuất của Bộ Ngoại giao. Số lượng, tần suất tổ chức các chuyến bay, danh sách doanh nghiệp và số lượng chuyến bay dự kiến được phép thực hiện (bao gồm tên doanh nghiệp, số chuyến bay đăng ký, địa điểm đón, hãng hàng không vận chuyển, nơi cách ly…). Ngô Quang Tuấn được lãnh đạo Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Giao thông – Vận tải) giao nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất, dự thảo trình lãnh đạo Vụ duyệt và trình lãnh đạo Bộ Giao thông – Vận tải ký văn bản trả lời Bộ Ngoại giao, cho ý kiến về việc thực hiện các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước. Do biết vai trò của Tuấn trong quá trình làm thủ tục, cấp phép chuyến bay, nhiều doanh nghiệp đã liên hệ, đặt vấn đề nhờ Tuấn giúp sớm có công văn của Bộ Giao thông – Vận tải trả lời Bộ Ngoại giao đồng ý xét duyệt, cấp phép cho các chuyến bay combo của các công ty Masterlife, Lữ hành Việt, Sao Hà Nội. Đổi lại, các công ty này đã có quà “cảm ơn” cho Tuấn với tổng số tiền hơn 1,7 tỷ đồng.
Vũ Hồng Quang – nguyên Phó trưởng Phòng Vận tải hàng không (Cục Hàng không Việt Nam) đã giúp các doanh nghiệp cấp phép hành khách bay vượt số lượng quy định, đồng thời nhận chung chi trên mỗi đầu khách vượt. Vũ Hồng Quang được xác định hưởng lợi hơn 1,7 tỷ đồng. Tại Văn phòng Chính phủ, ông Nguyễn Quang Linh – trợ lý cựu phó thủ tướng thường trực – cũng được một số doanh nghiệp tiếp cận, nhờ giải quyết giúp thủ tục. Viện kiểm sát cáo buộc ông Linh đã nhận tiền “bôi trơn” giúp doanh nghiệp được phê duyệt gần 30 chuyến bay giải cứu, chuyến bay combo. Trong hơn 1 năm, ông Linh đã nhận 5 lần với tổng cộng hơn 4,2 tỉ đồng.
Muốn về khu cách ly cũng phải hối lộ
Theo cáo trạng, không chỉ đưa hối lộ trong tổ chức các chuyến bay, một số doanh nghiệp còn tiếp cận lãnh đạo địa phương khi làm thủ tục cách ly công dân về nước. Tại Hà Nội, ông Chử Xuân Dũng khi đương chức Phó Chủ tịch UBND Hà Nội trong 8 tháng cuối năm 2021 đã ký 66 văn bản đồng ý cho 16 công ty được đưa người từ nước ngoài về cách ly.
Cụ thể, tháng 9/2021, ông Nguyễn Thành Lương, nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam (là bạn của ông Dũng) dẫn bị can Trần Minh Tuấn đến nhà bị can giới thiệu. Tuấn nhờ và được ông Dũng đồng ý giúp cho Công ty TNHH Du lịch quốc tế do Phạm Thị Bích Hằng mượn pháp nhân để cùng Tuấn xin cấp phép chuyến bay đưa khách từ nước ngoài về cách ly tại Hà Nội. Từ ngày 10/9/2021 đến ngày 22/10/2021, trên cương vị Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Chử Xuân Dũng đã ký 7 công văn đồng ý tiếp nhận cách ly y tế đối với công dân nhập cảnh về nước theo đề xuất của Công ty TNHH Du lịch quốc tế. Mặc dù không có thỏa thuận về số tiền Tuấn phải chi cho ông Dũng trong việc chấp thuận cho Công ty TNHH Du lịch quốc tế đưa khách từ nước ngoài về cách ly tại Hà Nội nhưng từ ngày 6/10/2021 đến ngày 18/10/2021, bị can Tuấn đã 3 lần đưa tiền cho bị can Dũng thông qua thư ký của Dũng là Đặng Đình Tuyến. Ông Chử Xuân Dũng đã nhận hối lộ 800 triệu đồng và 54.000 USD (tương đương hơn 1,25 tỷ đồng), tổng cộng hơn 2,05 tỷ đồng.
Còn bị can Trần Văn Tân, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam bị xác định 9 lần nhận hối lộ tổng cộng 5 tỉ đồng từ doanh nghiệp tư nhân nhằm tạo điều kiện cho họ tổ chức cách ly “chuyến bay giải cứu” tại các khách sạn trong tỉnh. Bị can Trần Văn Tân và gia đình đã nộp 4 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Với cáo trạng được công bố, nhiều bị cáo bị truy tố với khung hình phạt cao nhất, thậm chí có nhiều bị cáo đối mặt với khung hình phạt tử hình. Việc truy tố đã thể hiện quan điểm của Chính phủ: Không vì tai tiếng của một chủ trương, hoạt động ngoại giao và bảo hộ công dân mà khoan nhượng với những kẻ biến chất. Quan điểm này cho thấy sự kiên quyết làm sạch bộ máy, âu cũng là cái giá phải trả cho những kẻ liều lĩnh, cơ hội, trục lợi.
Trong số 54 bị can bị VKSND Tối cao truy tố, 18 bị can bị truy tố khung cao nhất từ 20 năm tù, chung thân, tử hình; Hơn 165 tỉ đồng là tổng số tiền đưa hối lộ của nhóm hơn 100 doanh nghiệp. Ông Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao được xác định nhận hối lội 37 lần, tổng số tiền 21,5 tỉ đồng. Ông Phạm Trung Kiên, cựu thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế nhận hối lộ 253 lần, tổng số tiền 42,5 tỉ đồng.
Theo cand.com.vn
Ý kiến ()