Hơn 100 nước tiếp nhận vắc xin Covid-19 theo cơ chế COVAX
Theo thống kê, tính đến 6h ngày 9-4 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 134.479.353 ca mắc Covid-19, trong đó có 2.913.731 ca tử vong.
Theo Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến ngày 8-4, cơ chế chia sẻ vắc xin toàn cầu (COVAX) đã phân phối gần 38,4 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 tới hơn 100 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới sau khi cơ chế này bắt đầu tiến hành hoạt động cung cấp vắc xin hồi tháng 2. Theo dự báo mới nhất về nguồn cung, COVAX dự kiến phân phối ít nhất 2 tỷ liều vắc xin ngừa Covid-19 trong năm 2021.
Châu Mỹ
Tại Mỹ Latinh, Argentina đã siết chặt các biện pháp đối phó với làn sóng thứ hai, như áp đặt lệnh giới nghiêm từ 0h đến 6h hằng ngày và chỉ những người làm việc trong những lĩnh vực thiết yếu có giấy phép mới được di chuyển trong thời gian này. Tất cả cửa hàng kinh doanh sẽ bắt buộc phải đóng cửa trước 23h. Biện pháp mới sẽ có hiệu lực tại toàn bộ khu vực thủ đô Buenos Aires và các vùng lân cận cũng như các địa phương có số ca mắc Covid-19 tăng cao.
Tại khu vực Bắc Mỹ, chính quyền tỉnh bang Ontario, địa phương đông dân nhất đồng thời là trung tâm kinh tế của Canada, buộc phải thực hiện biện pháp phong tỏa trong 4 tuần để kiểm soát dịch Covid-19. Theo biện pháp mới, người dân phải ở trong nhà trong khi các cửa hàng bán lẻ, trừ hiệu thuốc và cửa hàng bán đồ thiết yếu, phải đóng cửa. Lệnh phong tỏa này có hiệu lực từ ngày 8-4 đến hết tháng. Ontario cũng là tỉnh bang chịu ảnh hưởng dịch Covid-19 nặng nề nhất tại Canada. Theo giới chức, dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng xấu là do người dân phớt lờ cảnh báo phòng dịch, vẫn di chuyển nhiều trong đợt nghỉ lễ Phục sinh.
Châu Âu
Ba Lan trong 24 giờ qua ghi nhận thêm 954 ca tử vong do Covid-19, mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát tại nước này. Theo giới chức y tế Ba Lan, số ca nhiễm mới tại nước này đã giảm 20%, song dịch bệnh vẫn rất nghiêm trọng.
Theo cuộc khảo sát công bố ngày 8-4, tiến độ triển khai nhanh chương trình tiêm vắc xin ngừa Covid-19 ở vùng England (Anh) đang bắt đầu cho kết quả tích cực, với tỷ lệ lây nhiễm giảm mạnh trong tháng 3. Kết quả cuộc khảo sát mang tên REACT do các nhà khoa học Đại học Hoàng gia London thực hiện, cho thấy tỷ lệ lây nhiễm tại England đã giảm gần 60% so với nghiên cứu mới đây, nhất là vào tháng 2, với mức trung bình là chỉ có 1 người lây nhiễm trong số 500 người.
Tính đến sáng 8-4, Đức đã tiêm chủng được ít nhất một mũi cho 13,8% dân số, tương đương 11,5 triệu người, trong khi 4,7 triệu người (5,7%) đã được tiêm đủ 2 mũi. Tổng số liều vắc xin được tiêm cho tới nay là 16,26 triệu. Tuy nhiên, quy mô tiêm chủng rất khác nhau giữa các bang ở Đức, như Bremen ở vị trí đầu bảng khi đã tiêm được ít nhất một mũi cho 16,5% dân số, trong khi các bang Hessen và Saschen mới chỉ được khoảng 13% dân số, thậm chí bang Mecklenburg-Vorpommern ở mức thấp nhất khi mới triển khai được việc tiêm chủng cho 12,5% dân số bang.
Liên quan tới tình hình vắc xin ở Đức, kết quả một cuộc thăm dò do báo Handelsblatt công bố cho biết, đa số người Đức bày tỏ sẵn sàng tiêm chủng với vắc xin Sputnik V của Nga một khi chế phẩm này được Cơ quan Dược phẩm của Liên minh châu Âu (EMA) chấp thuận cho sử dụng. Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Jens Spahn thông báo đã tiến hành thảo luận song phương với Nga về việc cung cấp nguồn vắc xin Sputnik V cho nước này một khi được EMA chấp thuận.
Trong khi đó, Tây Ban Nha đã quyết định nối lại chương trình tiêm vắc xin của hãng AstraZeneca cho người trên 60 tuổi sau khi EMA khẳng định hiện tượng đông máu (huyết khối) chỉ là một “tác dụng phụ hy hữu” của loại vắc xin này.
Còn Italia khuyến nghị chỉ tiêm vắc xin của AstraZeneca với những người trên 60 tuổi, nhưng tiếp tục triển khai tiêm liều thứ 2 với những trường hợp đã tiêm liều đầu tiên. Ủy ban Khoa học kỹ thuật (CTS) của Cơ quan Dược phẩm Italia (Aifa) cũng khẳng định, các phản ứng đông máu sau khi tiêm vắc xin của AstraZeneca là rất hiếm, khi xét đến 86 trường hợp (với 18 trường hợp tử vong) trong tổng số hơn 34 triệu liều đã sử dụng.
Hungary dự kiến sẽ tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 cho hơn 4 triệu trong số 10 triệu dân vào cuối tháng 4 này, đồng thời nới lỏng hơn nữa các biện pháp phong tỏa trong 5-6 ngày tới khi 3 triệu người dân đã được chủng ngừa.
Châu Á – châu Đại Dương
Nhiều nước tiếp tục ghi nhận số ca mắc Covid-19 mới vẫn ở mức cao trong 24 giờ qua, như Thái Lan (405 ca), Philippines (9.216 ca), Nhật Bản (hơn 3.000 ca), Indonesia (5.504 ca), Campuchia (113 ca)…
Indonesia đã quyết định cấm người dân di chuyển bằng đường bộ, đường hàng không, đường thủy và đường sắt trong lễ Eid al-Fitr của người Hồi giáo để hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19. Lệnh cấm này sẽ được áp dụng từ ngày 6 đến 17-5. Lễ Eid al-Fitr đánh dấu chấm dứt tháng ăn chay Ramadan của người Hồi giáo. Năm nay, lễ hội này rơi vào các ngày 13, 14-5.
Tại Thái Lan, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha ra lệnh đóng cửa ngay lập tức những địa điểm giải trí hoặc nhà hàng trong 14 ngày nếu nơi đó có ca mắc mới Covid-19. Biện pháp này có hiệu lực kể từ ngày 8-4 nhằm ngăn chặn dịch lây lan thêm sau khi xảy ra một đợt bùng phát mới liên quan đến các địa điểm giải trí như quán rượu, quán bar và quán karaoke.
Còn New Zealand đã quyết định cấm nhập cảnh tạm thời đối với tất cả hành khách, bao gồm cả công dân nước này, khởi hành từ Ấn Độ trong khoảng 2 tuần sau khi số ca mắc mới gia tăng mạnh ở quốc gia Nam Á này. Động thái trên diễn ra sau khi New Zealand trong 24 giờ qua ghi nhận 23 ca mắc mới tại các điểm nhập cảnh, 17 người trong số này khởi hành từ Ấn Độ. Lệnh đình chỉ này có hiệu lực từ 16h ngày 11-4 (theo giờ địa phương) đến ngày 28-4.
Ý kiến ()