Hơn 100 đề tài ứng dụng toán học trong các lĩnh vực
Hội nghị thu hút hơn 100 báo cáo ứng dụng toán học vào các hệ thống kỹ thuật, kinh tế, xã hội và quản lý của Việt Nam. Các báo cáo được chia thành các nhóm chính: kinh tế- tài chính; công nghiệp và giao thông vận tải; công nghệ thông tin; tính toán khoa học; các phương pháp vật lý toán; các phương pháp giải tích và tối ưu hóa.
GS.TS Tống Đình Quỳ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội ứng dụng Toán học Việt Nam cho biết, trong 5 năm từ 2005- 2010, trên phạm vi cả nước đã có thêm nhiều đề tài nghiên cứu ứng dụng toán học vào thực tế cuộc sống, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội, đưa đất nước tiến lên. Có ba hướng lớn mà các đề tài tập trung nghiên cứu: tính toán khoa học kỹ thuật, ứng dụng đặc biệt trong các lĩnh vực quân sự, an ninh quốc phòng và trong một số ngành trọng điểm như điện lực, dầu khí, nông nghiệp, sinh y học…; các vấn đề tối ưu trong kinh tế và tài chính, đặc biệt về chứng khoán và thị trường chứng khoán; ứng dụng các công cụ thống kê trong lĩnh vực quản lý kinh tế, quản lý xã hội.
Giáo sư Tống Đình Quỳ cho rằng, toán học ứng dụng trong các ngành sản xuất, kinh doanh và dịch vụ được coi là một công cụ rất quan trọng nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Tại Việt Nam, toán học ứng dụng hiện vẫn chưa thể hiện được vai trò của mình. Sau sự kiện Giáo sư Ngô Bảo Châu được trao giải thưởng toán học Fields, Nhà nước đã có sự quan tâm rõ rệt đối với toán học nói chung và toán học ứng dụng nói riêng. Tuy nhiên, để toán học ứng dụng có thể đi vào cuộc sống với những hiệu quả thiết thực, Nhà nước cần có những chính sách rõ ràng hơn khuyến khích và nâng cao chất lượng nghiên cứu, triển khai các thành tựu khoa học bằng toán học.
Giáo sư cũng cho rằng, trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp cần có những chi phí cho nghiên cứu, tính toán tối ưu trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Các khoản chi phí này cần được coi là chi phí đầu tư cho phát triển.
* Tại Hội nghị, Ban tổ chức đã trao giải thưởng về ứng dụng toán học giai đoạn 2005- 2010 cho ba nhóm tác giả: GS.TS Nguyễn Khắc Minh và các cộng sự thuộc trường ĐH Kinh tế quốc dân; Tiến sĩ Phạm Hồng Quang và các cộng sự thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Thạc sĩ Trần Cảnh và các cộng sự thuộc trường ĐH Xây dựng.
Ý kiến ()