Hơn 1.700 học sinh, sinh viên thụ hưởng Quỹ học bổng Vừ A Dính
Sáng 26/10, Quỹ học bổng Vừ A Dính (thuộc Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh) tổ chức chương trình “Dấu ấn 15 năm - Thắp sáng những ước mơ” tổng kết năm dự án góp phần đào tạo nguồn nhân lực trẻ cho vùng dân tộc và biển đảo.
Quỹ học bổng Vừ A Dính được thành lập vào ngày 5/3/1999, với mục tiêu cấp học bổng cho các em học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số; góp phần vào việc bồi dưỡng đào tạo nguồn nhân lực cho các địa phương vùng sâu, vùng xa, miền núi và hải đảo.
Sau 10 năm hoạt động, đến năm 2009, Quỹ xác định mục tiêu hoạt động cho giai đoạn mới, đầu tư hoạt động theo chiều sâu với nhiều mô hình (“Ươm mầm tương lai”, “Mở đường đến tương lai”, “Chắp cánh ước mơ”, “Thắp sáng tương lai”, “Hỗ trợ sinh viên”) nhằm góp phần xây dựng, tạo nguồn lực lâu dài, bền vững cho vùng dân tộc và biển đảo, những vùng khó khăn, vùng phên dậu của Tổ quốc.
Các dự án ra đời thực hiện theo quy trình đào tạo và giáo dục liên tục ba cấp học, bắt đầu từ lớp 6 và kết thúc ở bậc đại học, cao đẳng.
Qua đó, giúp các em học sinh, sinh viên nơi vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và hải đảo có điều kiện tiếp xúc với môi trường học tập tốt, hiện đại; giúp các em phát triển về thể chất, kiến thức, kỹ năng, được đào tạo căn cơ, lâu dài để trở thành những công dân trẻ có học vấn, năng động và là nguồn lực tiềm năng cho các địa phương trong tương lai.
Đến nay, Quỹ đã có hơn 130 nghìn suất học bổng dành cho các em học sinh, sinh viên là con em đồng bào dân tộc, con em của ngư dân và bộ đội đang làm nhiệm vụ ở vùng biển đảo, có tinh thần vượt khó, học giỏi trên cả nước.
Qua 15 năm thực hiện, các dự án đã được đầu tư hơn 470 tỷ đồng để nuôi, dạy học cho 1.737 em học sinh, sinh viên của 38 dân tộc thuộc 51 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Trong đó, có 1.248 em học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số của 38 dân tộc thuộc 51 tỉnh, thành phố, 489 em từ các vùng biển đảo.
Quỹ cũng đã tổ chức xây dựng được 20 ngôi trường và điểm trường, 2 công trình nước sạch, 7 con đường đến trường và 40 cây cầu nông thôn mới hỗ trợ cho sự nghiệp giáo dục vùng sâu, vùng xa.
Các dự án đã góp phần tích cực vào sự nghiệp bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực trẻ cho vùng dân tộc, miền núi, hải đảo. Đặc biệt là những dân tộc bản địa ở dọc dãy Trường Sơn còn khó khăn, thấp kém về mọi mặt và vùng hải đảo xa xôi.
Mỗi dự án đã thể hiện tính nhân văn sâu sắc trong sự nghiệp “trồng người”, sự nghiệp đấu tranh cho bình đẳng giới, góp phần đào tạo một lực lượng công dân trẻ có tri thức và năng lực cho miền núi và hải đảo.
Ý kiến ()