Hơn 1.700 đại biểu dự Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2017
Sáng 23/3, tại cuộc họp báo học thuật, Ban tổ chức cho biết Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2017 diễn ra tại thị trấn Bác Ngao, Hải Nam (Trung Quốc) từ 23-26/3, trong đó sáng 25/3 sẽ diễn ra lễ khai mạc chính thức, chiều 26/3 kết thúc (không có lễ bế mạc chính thức).
Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ sẽ tham dự lễ và có bài phát biểu trong lễ khai mạc. Ngoài ra, về phía Trung Quốc, tham dự diễn đàn năm nay còn có Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên, Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong Lương Chấn Anh, Giám đốc Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á Kim Lập Quần.
Bên cạnh đó, diễn đàn còn có sự tham dự của một số nhà lãnh đạo thế giới như Tổng thống Madagascar, Tổng thống Liên bang Micronesia, Thủ tướng Nepal, Phó Tổng thống Myanmar…
Theo thống kê từ Ban thư ký diễn đàn, tham dự diễn đàn năm nay có 1.727 vị đại biểu là chính khách, thương gia, học giả, phóng viên đến từ 50 quốc gia và khu vực. Trong số này có 1.082 phóng viên Trung Quốc, quốc tế đến từ 195 cơ quan truyền thông thuộc 31 quốc gia và khu vực, bao gồm 736 phóng viên đến từ 93 cơ quan truyền thông của nước chủ nhà Trung Quốc.
Chủ đề của Diễn đàn năm nay là “Toàn cầu hóa trực diện và tương lai của thương mại tự do.” Xoay quanh chủ đề này sẽ có 13 nội dung như toàn cầu hóa, tăng trưởng kinh tế, vấn đề cải cách, kinh tế mới, hợp tác khu vực, kinh tế vĩ mô, chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, an ninh chính trị, bảo đảm an sinh xã hội… với 42 diễn đàn nhỏ, 12 cuộc trao đổi kín.
Với hình thức đa dạng, nội dung phong phú, diễn đàn năm nay sẽ thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới truyền thông cũng như dư luận. Ngoài ra, diễn đàn năm nay còn đề cập đến các vấn đề nóng như xây dựng “Một vành đai, một con đường,” kinh tế chia sẻ, tinh thần người thợ.
Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Tài chính thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc Hồ Tân tham dự họp báo và trình bày “Báo cáo năm 2017 về tài chính liên quan mạng Internet.” Báo cáo đã đưa ra 10 nguyên tắc liên quan đến việc thúc đẩy sự phát triển bền vững, lành mạnh của tài chính mạng của Trung Quốc.
Cũng trong cuộc họp báo này, Phó Hiệu trưởng Đại học Thương mại Kinh tế đối ngoại Trung Quốc Lâm Quế Quân trình bày “Báo cáo năm 2017 về tiến trình nhất thể hóa kinh tế châu Á,” trong đó ông đánh giá nhân tố quan trọng nhất để thúc đẩy kinh tế châu Á phát triển trong 20-30 năm qua, tức là chuỗi giá trị toàn cầu đã có thể xuất hiện khủng hoảng.
Bên cạnh đó, Trưởng Ban Thông tin thuộc Trung tâm giao lưu kinh tế quốc tế Trung Quốc Vương Quân đã trình bày “Báo cáo năm 2017 về sức cạnh tranh châu Á,” trong đó đánh giá sức cạnh tranh tổng hợp của Trung Quốc là tương đối cân bằng, sức cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc biểu hiện rất nổi trội, đứng đầu trong số các nước châu Á hiện nay./.
Theo VietnamPlus
Ý kiến ()