Hơn 1.200 tỷ đồng xây cảng đón tàu quốc tế ở Phú Quốc
Ngày 3/10 tại buổi làm việc giữa Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) với tỉnh Kiên Giang bàn về phương án xây dựng cảng biển đón tàu khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc, Cục trưởng Hàng hải Việt Nam Nguyễn Nhật cho biết, sau khi nghiên cứu các yếu tố thủy văn, các tiêu chí thuận lợi về xây dựng, khai thác du lịch, giao thông kết nối, khả năng thu hút vốn của các nhà đầu tư… tỉnh Kiên Giang và Bộ GTVT đã thống nhất chọn vị trí xây dựng cảng đón tàu khách du lịch quốc tế tại thị trấn Dương Đông.
Phối cảnh cảng đón tàu du lịch đẳng cấp quốc tế ở thị trấn Dương Đông, huyện đảo Phú Quốc. |
Đơn vị tư vấn cho biết, cảng hành khách quốc tế Phú Quốc có thể tiếp nhận tàu chở 5.000-6.000 hành khách. Đồng thời kết hợp khai thác container hàng sạch. Cầu tàu dài 400 m, trong đó cầu chính dài 240 m, rộng 19 m cho phép tàu cập bến cả hai bên. Một cầu dẫn dài 1.020 m được xây dựng từ bờ ra cầu tàu để đưa hành khách vào đảo.Vị trí xây dựng cảng hành khách nằm dọc theo đại lộ Võ Văn Kiệt từ trong khu đô thị chạy ra biển theo hướng Tây nên cũng thuận tiện kết nối giao thông, đồng thời sẽ tạo nên một điểm nhấn cho đô thị Dương Đông trong tương lai.
Do điều kiện thủy văn tại Phú Quốc nên phía tư vấn đề xuất phương án xây dựng đê chắn sóng theo hình chữ L dài 800 m, rộng đỉnh đê là 6,6 m ở phía trước, đảm bảo tàu cập bến quanh năm mà không ngại sóng gió. Ngoài ra, dự án còn xây dựng nhà ga hành khách 2 tầng với tổng diện tích gần 5.000 m2.
Tổng số vốn đầu tư cho dự án là hơn 1.254 tỷ đồng. Đơn vị tư vấn cũng đề xuất phân kỳ đầu tư theo hai giai đoạn. Giai đoạn một cần đầu tư đê chắn sóng để phát huy hiệu quả đầu tư. Giai đoạn 2 chỉ đầu tư thêm các hạng mục phụ trợ.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang cho rằng với tổng mức đầu tư như vậy mà trông chờ vào nguồn vốn ngân sách Trung ương cấp hàng năm thì rất khó. Mặt khác, nguồn thu từ hoạt động tàu khách là không nhiều nên đầu tư BOT cũng không hiệu quả. Địa phương đã chủ động làm việc và kêu gọi tập đoàn Vingroup đầu tư vào dự án này.
“Chủ trương của tỉnh là thực hiện dự án theo hình thức Công – Tư kết hợp (PPP)”, ông Sơn nói và đề nghị đơn vị tư vấn nghiên cứu phân định rõ nguồn vốn nhà nước bỏ ra bao nhiêu, nhà đầu tư bao nhiêu để đảm bảo hiệu quả khai thác. Ngay cả phần vốn nhà nước thì cũng đưa ra phương án vốn Trung ương, địa phương bao nhiêu phần trăm.
Kết thúc buổi làm việc, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Văn Công đã giao Cục Hàng hải Việt Nam chủ trì, phối hợp với đơn vị tư vấn và tập đoàn Vingroup nghiên cứu phương án tài chính thực hiện dự án để sớm trình Chính phủ cho phép triển khai.
Ý kiến ()