Hơn 1.000 đoàn đại biểu đã đến viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh
Hơn 1.000 đoàn đại biểu, trong đó có hơn 100 đoàn quốc tế, đã đến viếng, gửi vòng hoa, chia buồn cùng gia đình nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh.
Đoàn đại biểu Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam và các quân khu, quân đoàn viếng nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh.
Sáng 3/5, hơn 1.000 đoàn đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị, các lực lượng vũ trang nhân dân, các đoàn ngoại giao, đại diện các tổ chức và bạn bè quốc tế, đồng bào, trong đó có hơn 100 đoàn quốc tế đã đến viếng, gửi vòng hoa, chia buồn cùng gia đình nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh tại Nhà Tang lễ quốc gia – số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội; Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh và Hội trường Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Nhiều lãnh đạo, đoàn ngoại giao, bạn bè quốc tế đã gửi thư, điện chia buồn tới Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam và gia quyến đồng chí Lê Đức Anh.
Đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh (bí danh Nguyễn Phú Hòa; Sáu Nam), sinh ngày 1/12/1920, quê quán tại xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Được thừa hưởng truyền thống yêu nước của quê hương và gia đình, đồng chí đã sớm giác ngộ cách mạng.
Năm 1937, khi mới 17 tuổi, đồng chí đã tham gia phong trào dân chủ ở Phú Vang, Thừa Thiên-Huế.
Tháng 5/1938, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Đồng chí luôn bám dân, bám địa bàn, hoạt động và xây dựng phong trào cách mạng ở cơ sở từ tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, đến Lâm Đồng, Bình Dương, Bình Phước.
Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước và chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, đồng chí Lê Đức Anh luôn có mặt ở những địa bàn chiến trường trọng yếu, khó khăn, ác liệt.
Trên cương vị là Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh miền Nam, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh miền Nam, Tư lệnh Khu 9, Phó Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh kiêm Tư lệnh cánh quân Tây Nam, đồng chí đã trực tiếp tham gia và chỉ huy nhiều chiến dịch lớn, luôn thể hiện bản lĩnh của người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, giữ vững thế tiến công, chủ động tấn công, lăn lộn với thực tế ở chiến trường để tìm ra những cách đánh hiệu quả, giảm hy sinh xương máu của chiến sĩ và đồng bào, góp phần cùng quân và dân ta giành được nhiều thắng lợi có tính chiến lược.
Sau khi đất nước hòa bình, thống nhất, đồng chí được Đảng, Nhà nước giao nhiều trọng trách. Ở bất kỳ cương vị nào, đồng chí luôn trăn trở, tìm tòi, tâm huyết với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, cùng tập thể lãnh đạo Đảng, Nhà nước có nhiều quyết sách quan trọng để tái thiết đất nước, khởi xướng công cuộc đổi mới.
Khi giữ trọng trách Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, với tầm tư duy chiến lược, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, tác phong sâu sát, đồng chí cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước đề ra và chỉ đạo triển khai thực hiện đường lối Đổi Mới toàn diện, đưa đất nước ta đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Với 99 tuổi đời, hơn 80 năm tuổi Đảng, Đại tướng Lê Đức Anh đã trọn đời phấn đấu, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và Nhân dân ta.
Đồng chí đã có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Đồng chí đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng; Huân chương Quân công hạng Nhất; Huân chương Chiến công hạng Nhất; Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.
Trong niềm xúc động, tiếc thương sâu sắc, các đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước, Quốc hội Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cán bộ, chiến sỹ các lực lượng vũ trang cùng đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân trong cả nước đã cùng dự Lễ viếng nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh; bày tỏ lòng biết ơn, sự kính trọng đối với vị nguyên thủ đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Trân trọng ghi sổ tang, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng viết: “Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng vô cùng thương tiếc Đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, huy hiệu 80 năm tuổi Đảng, là một vị tướng trận mạc, nhà lãnh đạo đức độ, tài năng, một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và sự trưởng thành của Quân đội.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, nhất là trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Đồng chí luôn quan tâm, xây dựng lực lượng vũ trang nói chung và Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng, đã cùng tập thể Bộ Chính trị lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam ngày càng hùng mạnh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Cán bộ, chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam mãi mãi khắc ghi công ơn của Đồng chí, nguyện tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân, đoàn kết, thống nhất, xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy tinh nhuệ, từng bước hiện đại, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xứng đáng với niềm tin, tình cảm và sự quan tâm đặc biệt của Đồng chí…”
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đưa linh cữu nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh ra xe tang.
Tưởng nhớ nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh , Trung tướng Võ Minh Lương, Tư lệnh Quân khu 7 viết: “Đại tướng Lê Đức Anh là một nhà chính trị lớn, nhà quân sự tài ba, luôn nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, có tư duy sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; một chiến sĩ cách mạng tài trí kiên cường, một vị tướng, vị Tư lệnh – Chính ủy đức độ tài năng suốt đời gắn với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc, với quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, phát triển của Quân đội Nhân dân Việt Nam và lực lượng vũ trang Quân khu 7.”
Thiếu tướng Huỳnh Chiến Thắng, Chính ủy Quân khu 9 ghi vào sổ tang: “Đồng chí Lê Đức Anh là một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân ta. Đồng chí đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và sự phát triển, đổi mới của đất nước Việt Nam. Sự ra đi của Đồng chí là một tổn thất vô cùng to lớn đối với Đảng, Nhà nước, quân đội, nhân dân và lực lượng vũ trang Quân khu”.
Trong số các đoàn đến viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh có Đoàn đại biểu các cơ quan ngoại giao tại Thành phố Hồ Chí Minh như Tổng lãnh sự quán Lào, Campuchia, Liên bang Nga, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Thái Lan, Đức, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Cuba… cùng các tổ chức và bạn bè quốc tế.
Ghi vào sổ tang, đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế đánh giá cao vai trò của Đại tướng Lê Đức Anh cả trong kháng chiến cũng như vai trò lãnh đạo đất nước.
Ghi vào sổ tang, bà Maria Mizonova, Lãnh sự – Tham tán Tổng lãnh sự quán Liên bang Nga tại Thành phố Hồ Chí Minh viết: “Trên cương vị nguyên thủ Quốc gia cũng như tại các vị trí trọng trách khác, đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh luôn giành được sự tôn quý của nhân dân và có uy tín quốc tế cao. Đồng chí đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp củng cố an ninh quốc gia và bảo vệ lợi ích của Việt Nam trên trường quốc tế. Tại Liên bang Nga, đồng chí Đại tướng sẽ được nhớ tới như một người ủng hộ nhiệt thành cho sự phát triển mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước chúng ta.”
Lễ truy điệu đồng chí Lê Đức Anh được tổ chức vào 10 giờ 45 phút, ngày 3/5/2019, tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh và Hội trường Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế, quê hương của nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh.
Lễ an táng diễn ra từ 17 giờ cùng ngày tại Nghĩa trang Thành phố Hồ Chí Minh./.
Ý kiến ()