Hôm nay, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Cảnh sát cơ động và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ
Hôm nay, 26-10, theo chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Cảnh sát cơ động và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Theo chương trình kỳ họp thứ hai, hôm nay, thứ Ba, 26-10: Buổi sáng,Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Cảnh sát cơ động; Buổi chiều,Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. |
Hôm qua, thứ Hai, ngày 25-10-2021,Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 6theo hình thức trực tuyến tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Buổi sáng
Dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Tại phiên thảo luận, đã có 17 ý kiến đại biểu phát biểu và 02 ý kiến đại biểu tranh luận; trong đó, các đại biểu phát biểu đánh giá cao Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (Cơ quan chủ trì soạn thảo) và Ủy ban Tư pháp (Cơ quan chủ trì thẩm tra) trong việc chuẩn bị Tờ trình, hồ sơ dự án Luật và Báo cáo thẩm tra trình Quốc hội xem xét; đồng thời cơ bản thống nhất với nhiều nội dung trong các báo cáo.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về các nội dung của dự án Luật như: Sự cần thiết ban hành và phạm vi sửa đổi của Luật; tên gọi, trình tự, thủ tục ban hành Luật; khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại.
Cùng với đó là căn cứ không khởi tố vụ án hình sự; nội dung giao thêm trách nhiệm cho Công an xã trong tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm; bổ sung căn cứ tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, tạm đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh”; sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 44 Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự; hiệu lực thi hành của Luật;…
Kết thúc nội dung thảo luận, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại biểu Quốc hội dự phiên họp toàn thể sáng 25-10. Ảnh: VPQH |
Từ 10 giờ, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Buổi chiều
Dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê.
Tại phiên thảo luận đã có 25 ý kiến đại biểu phát biểu.
Đa số ý kiến đại biểu thống nhất với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác thống kê; tạo cơ sở pháp lý để thực hiện kịp thời việc thu thập, tổng hợp và bảo đảm số liệu thống kê phản ánh khách quan, chính xác, kịp thời, đầy đủ, thống nhất, phục vụ Đảng, Nhà nước trong hoạch định đường lối, chính sách và điều hành phát triển kinh tế – xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về phạm vi điều chỉnh của Luật; hồ sơ, tên gọi của dự án Luật; quy trình biên soạn chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước (GDP) và chỉ tiêu Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP); thời điểm công bố số liệu thống kê hằng năm đối với quốc gia và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Bên cạnh đó là việc đánh giá lại quy mô Tổng sản phẩm trong nước báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội; thẩm quyền, trách nhiệm công bố thông tin thống kê của chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh là phân tổ của chỉ tiêu thống kê quốc gia; việc rà soát, bổ sung đảm bảo tính cân đối giữa các nhóm chỉ tiêu;…
Ngoài ra, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về các quy định liên quan đến Phụ lục – Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia như: Nhóm chỉ tiêu; các chỉ tiêu cụ thể về đất đai, dân số, lao động, việc làm và bình đẳng giới, giáo dục, mức sống dân cư, doanh nghiệp, cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp, đầu tư và xây dựng, tài khoản quốc gia, tiền tệ, bảo hiểm và chứng khoán, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, chỉ số giá, giao thông vận tải, công nghệ thông tin, bưu chính, viễn thông và truyền thông, khoa học và công nghệ, y tế và chăm sóc sức khỏe, trật tự, an toàn xã hội và tư pháp…
Kết thúc nội dung thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Ý kiến ()