Hôm nay, khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 55
Hôm nay (2-8), tại thủ đô Phnom Penh (Campuchia), các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN bắt đầu các hoạt động đầu tiên trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 55 (AMM-55) và các hội nghị liên quan.
Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và đối tác sẽ tham dự hơn 20 hoạt động trong khuôn khổ ASEAN, ASEAN 1, ASEAN 3, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), thảo luận về tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, xây dựng định hướng phát triển Cộng đồng ASEAN sau năm 2025, kiểm điểm và định hướng quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, đồng thời trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực.
Trước đó, ngày 1-8 đã diễn ra cuộc họp của các quan chức cao cấp (SOM) ASEAN trù bị cho AMM-55 và các hội nghị liên quan. Đại sứ Vũ Hồ, Quyền Trưởng SOM ASEAN Việt Nam tham dự cuộc họp.
Các Trưởng SOM ASEAN đã rà soát tiến độ đàm phán, xây dựng các văn kiện dự kiến sẽ trình lên các Bộ trưởng Ngoại giao, trong đó có Thông cáo chung AMM-55, Kế hoạch hành động tăng cường triển khai Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân và các báo cáo cập nhật tình hình triển khai kế hoạch hành động hợp tác giữa ASEAN với các đối tác. Các nước đã trao đổi về những ưu tiên của ASEAN trong năm 2022, khẳng định cam kết ủng hộ Chủ tịch Campuchia thực hiện thành công các ưu tiên đề ra, cập nhật tình hình hợp tác giữa ASEAN với các đối tác và trao đổi về một số vấn đề khu vực và quốc tế.
Cùng ngày, Hội nghị các quan chức cao cấp ngoại giao hợp tác Mê Công-sông Hằng (MGC) cũng đã diễn ra tại Phnom Penh, với sự tham dự của các nước: Ấn Độ, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Đoàn Việt Nam đã đề xuất hợp tác MGC giai đoạn hậu đại dịch chú trọng 4 nhóm vấn đề, với trọng tâm là phục hồi kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (MSME) tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ưu tiên tiếp theo là chuyển đổi số, tập trung phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, qua đó phát triển du lịch thông minh. Tiếp đến là tăng cường năng lực y tế cộng đồng, bảo đảm quyền tiếp cận công bằng và bền vững đối với vaccine, dược phẩm và trang thiết bị y tế. Cuối cùng là chia sẻ thông tin, kinh nghiệm quản lý bền vững tài nguyên nước, nhất là quản trị hiệu quả, công bằng các dòng sông xuyên biên giới, cảnh báo sớm thiên tai.
Ý kiến ()