Hôm nay (25-10), Quốc hội thảo luận về các dự án luật quan trọng
Theo chương trình làm việc Kỳ họp thứ tư, hôm nay, 25-10, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về các dự án luật quan trọng, gồm: Luật Thanh tra (sửa đổi), Luật Dầu khí (sửa đổi).
Cụ thể, hôm nay, thứ ba, 25-10-2022: Buổi sáng:Quốc hội nghe: Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Buổi chiều:Quốc hội nghe: Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). |
* Hôm qua, thứ hai, 24-10-2022, Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV bước vào ngày làm việc thứ 4 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Buổi sáng(Phiên họp được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam):
Dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Sau đó Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Quang cảnh phiên họp Quốc hội ngày 24-10-2022. Ảnh: VPQH |
Tại phiên thảo luận đã có 25 ý kiến đại biểu phát biểu, 3 ý kiến đại biểu tranh luận. Đa số các ý kiến đại biểu tán thành với nhiều nội dung trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về những nội dung sau: Phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; chính sách của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh; chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài đối với nhân viên y tế; trách nhiệm quản lý nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh; Hội đồng Y khoa Quốc gia; các hành vi bị nghiêm cấm; thẩm quyền cấp, thu hồi, đình chỉ giấy phép hành nghề; hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; bảo hiểm trách nhiệm trong khám bệnh, chữa bệnh; cơ chế tự chủ tài chính của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; chi phí khám bệnh, chữa bệnh và giá khám bệnh, chữa bệnh; quyền và nghĩa vụ của người bệnh; quyền và trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tổ chức xã hội – nghề nghiệp về khám bệnh, chữa bệnh; quỹ hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh; xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh; khám bệnh, chữa bệnh và hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh từ xa; việc xác định người hành nghề có sai sót hoặc không có sai sót chuyên môn kỹ thuật; huy động, điều động cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tham gia hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa và dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; các quy định về cấp cứu, thiết bị y tế, trực khám bệnh, chữa bệnh, dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh; quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.
Ngoài ra, một số ý kiến đại biểu đề nghị lùi thời gian thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh tại Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV nhằm tiếp tục hoàn thiện, bảo đảm tính khả thi của luật.
Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Buổi chiều
Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự thảo Nghị quyết ban hành nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Theo Quandoinhandan
Ý kiến ()