Hôm nay (21-6), Quốc hội dành cả ngày thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
Theo chương trình Kỳ họp thứ năm, hôm nay, ngày 21-6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, dành cả ngày thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi); kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Phiên họp được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam.
Trước đó, dự án luật này đã được thảo luận tại tổ vào ngày 9-6. Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, dự thảo luật này đến nay nhận được hơn 12 triệu lượt ý kiến góp ý.
Một điểm mới của dự thảo luật này là bỏ khung giá đất, áp dụng bảng giá đất mới từ năm 2026. Theo đó, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tiếp tục quy định bảng giá đất được ban hành hằng năm để bảo đảm giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường. Tuy nhiên, bổ sung quy định về chuyển tiếp thực hiện theo hướng tiếp tục sử dụng bảng giá đất hiện hành đến hết ngày 31-12-2025 để các địa phương có đủ thời gian để xây dựng, ban hành bảng giá đất mới theo quy định mới của Luật Đất đai.
* Hôm qua, thứ ba, ngày 20-6-2023, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 19 của Kỳ họp thứ 5 với các phiên họp toàn thể tại hội trường dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Ngày 20-6, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 19 của Kỳ họp thứ 5. Ảnh: VPQH |
Buổi sáng
Dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe:
– Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi); sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Hợp tác xã (sửa đổi), kết quả như sau: Có 472 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 95,55% tổng số ĐBQH), trong đó có 466 đại biểu tán thành (bằng 94,33% tổng số ĐBQH), có 1 đại biểu không tán thành (bằng 0,20% tổng số ĐBQH), có 5 đại biểu không biểu quyết (bằng 1,01% tổng số ĐBQH).
– Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa – kết nối với tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận; sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết, kết quả như sau: Có 472 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 95,55% tổng số ĐBQH), trong đó có 471 đại biểu tán thành (bằng 95,34% tổng số ĐBQH), có 1 đại biểu không tán thành (bằng 0,20% tổng số ĐBQH).
Dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội nghe:
– Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng thủ dân sự; sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng thủ dân sự, kết quả như sau: Có 475 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 96,15% tổng số ĐBQH), trong đó có 469 đại biểu tán thành (bằng 94,94% tổng số ĐBQH), có 3 đại biểu không tán thành (bằng 0,61% tổng số ĐBQH), có 3 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,61% tổng số ĐBQH).
– Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Buổi chiều
Dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), kết quả như sau: Có 465 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 94,13% tổng số ĐBQH), trong đó có 463 đại biểu tán thành (bằng 93,72% tổng số ĐBQH), có 2 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,40% tổng số ĐBQH).
Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Tài nguyên nước (sửa đổi). Tại phiên thảo luận đã có 21 đại biểu phát biểu, 2 đại biểu tranh luận, trong đó đa số ý kiến đại biểu cơ bản đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật để thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, khắc phục những hạn chế của Luật Tài nguyên nước hiện hành, xử lý các nội dung giao thoa, chồng chéo với các Luật khác, hoàn thiện khung pháp lý cho an ninh nguồn nước, cơ chế, chính sách để khuyến khích nguồn lực xã hội hóa, định giá tài nguyên nước, sử dụng và phân bổ nguồn thu, quản lý khai thác hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước.
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, các đại biểu tập trung thảo luận về: tên gọi và phạm vi điều chỉnh của Luật; bảo vệ tài nguyên nước và phục hồi nguồn nước; điều hòa, phân phối và khai thác, sử dụng tài nguyên nước; công cụ kinh tế, chính sách và nguồn lực cho tài nguyên nước; trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước; quy hoạch chung về khai thác, sử dụng tài nguyên nước; việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước; quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa; gây mưa nhân tạo; đăng ký cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước; trách nhiệm quản lý tài nguyên nước, giải quyết tranh chấp về tài nguyên nước;…
Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/hom-nay-21-6-quoc-hoi-danh-ca-ngay-thao-luan-ve-du-an-luat-dat-dai-sua-doi-731819
Ý kiến ()