Hội viên phụ nữ tiêu biểu
(LSO) – Bà Dương Thị Hương, thôn Phong Thịnh 1, xã Tân Thành, huyện Bắc Sơn là tấm gương phụ nữ tiêu biểu, cần cù, chịu khó, ham học hỏi. Đặc biệt, với sự năng động, dám nghĩ dám làm, bà luôn tiên phong trong phát triển kinh tế và nhiệt tình đóng góp trong các phong trào của địa phương.
Bà Hương sinh năm 1971, quê gốc ở xã Bắc Sơn trong một gia đình có 4 chị em. Sau khi lập gia đình, năm 1993, vợ chồng bà ra ở riêng, được bố mẹ chia cho 4 sào ruộng, 2 sào đất nương. Bên cạnh đó, vợ chồng bà nhận giao khoán thêm 3 ha đất rừng khoanh nuôi để bảo vệ và phát triển trồng rừng.
Với tính cần cù, ham học hỏi, nắm bắt nhu cầu về cây giống của bà con, bà Hương học hỏi kỹ thuật ươm cây giống của công nhân lâm trường gần nhà. Từ đó, bà vay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 5 triệu đồng để đầu tư làm vườn ươm. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên cây giống của gia đình bà luôn đạt chất lượng, làm đến đâu bán hết đến đó. Hồi đó, trung bình bà ươm từ 5 đến 6 vạn cây giống/năm, gồm các loại cây: hồi, quế, mỡ… Cùng với ươm cây giống, bà còn chủ động trồng 1,5 ha rừng.
Bà Dương Thị Hương (áo đen) tư vấn sữa cho khách hàng
Bà Hương tâm sự: Năm 2000, nhận thấy nhu cầu xây dựng nhà cửa của bà con trong xã lớn, tôi bàn với chồng mua công nông để chở cây lâm nghiệp (tre, vầu) phục vụ bà con. Cùng với đó, từ năm 2005, qua tham khảo thị trường tại Lạng Sơn và một số huyện lân cận, tôi lại mạnh dạn vay Ngân hàng Chính sách xã hội 20 triệu đồng làm vốn để đầu tư sản xuất gạch và kinh doanh vật liệu xây dựng (cát, sỏi, xi măng, sắt, thép).
Bên cạnh việc sản xuất gạch và kinh doanh vật liệu xây dựng, bà còn mở cửa hàng tạp hóa nhỏ và chăn nuôi. Những năm mới ra ở riêng, trung bình bà nuôi 2 lứa lợn, mỗi lứa từ 3 – 4 con. Sau này, thị trường phát triển, từ năm 2010 đến nay, bà nuôi 2 lứa lợn/năm, mỗi lứa từ 30 – 40 con. Tận dụng phụ phẩm của chăn nuôi bà kết hợp nấu rượu để nâng cao thu nhập.
Khi con cái học hành ổn định, năm 2008, có chút vốn, bà Hương mua thêm một chiếc xe ô tô để vận chuyển lâm sản (gỗ rừng trồng) từ trên rừng về các xưởng gỗ bóc trong xã cho bà con. Nhờ sự năng động, dám nghĩ, dám làm của vợ chồng bà mà người dân trong xã vùng 3 Tân Thành có “địa chỉ vận chuyển” tin cậy và được phục vụ mọi lúc, mọi nơi.
Năm 2013, gia đình bà Hương được khai thác rừng trồng. Với 1,5 ha keo, mỡ, bà thu về hơn 100 triệu đồng. Kết hợp cùng số tiền tích góp được, gia đình bà đã xây dựng được nhà cửa khang trang.
Từ mô hình kinh tế tổng hợp, gia đình bà Hương có thu nhập từ 250 đến 300 triệu đồng/năm. Đồng thời, tạo việc làm ổn định cho 2 lao động địa phương với thu nhập bình quân từ 5 – 6 triệu đồng/người/tháng.
Bà Dương Thị Dung, Chủ tịch hội Phụ nữ xã Tân Thành cho biết: Bà Hương là hội viên phụ nữ tiêu biểu nhất của Hội Phụ nữ xã Tân Thành luôn đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình; nhiệt tình trong các phong trào, hoạt động của địa phương. Đặc biệt, hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới, năm 2016, gia đình bà Hương đã hiến 1.550 m2 đất để xây dựng trường mầm non của xã, tạo điều kiện cho các cháu có môi trường học tập mới, rộng rãi, thoáng mát.
Với những cố gắng, nỗ lực của mình, năm 2018, bà Hương vinh dự được nhận bằng khen của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh vì thành tích xuất sắc trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và phong trào thi đua “Lạng Sơn cùng cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 – 2018.
Ý kiến ()