Hội viên phụ nữ năng động phát triển kinh tế
– Với sự cần cù, năng động, bà Lý Thị Khăm, sinh năm 1965, thôn Tồng Nọt, xã Thượng Cường, huyện Chi Lăng đã xây dựng thành công mô hình kinh tế hiệu quả, mang lại thu nhập trên 200 triệu đồng mỗi năm. Cùng đó, bà cũng là một hội viên gương mẫu tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) tại địa phương và có những đóng góp tích cực vào sự phát triển của quê hương.
Bà Lý Thị Khăm sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông, đông anh em. Năm 1986, bà lập gia đình. Thời điểm đó, kinh tế của gia đình bà chủ yếu chỉ dựa vào vài sào ruộng nên thu nhập bấp bênh, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, bà luôn trăn trở tìm hướng vươn lên thoát nghèo. Qua tìm hiểu và nhận thấy điều kiện tự nhiên ở xã thích hợp để trồng cây hồi, năm 1988, bà đã dùng số tiền tích góp được cải tạo 1 ha đất đồi của gia đình để trồng hồi.
Bà Khăm chăm sóc vườn hồng của gia đình
Tuy nhiên, thời gian đầu do chưa có kinh nghiệm trồng và chăm sóc, nên cây sinh trưởng, phát triển chậm, nhiều cây bị sâu bệnh phải chặt bỏ. Không nản chí, để có thêm kiến thức và kỹ năng chăm sóc cây hồi, bà đã chủ động học hỏi thêm kinh nghiệm của các hộ trồng hồi xung quanh, đồng thời tích cực tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật do xã, huyện tổ chức. Sau quá trình học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, bà áp dụng vào mô hình của gia đình, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng rừng hồi.
Bà Khăm chia sẻ: Sau gần 10 năm chăm sóc, năm 1997, rừng hồi đã bắt đầu cho thu hoạch. Không như một số hộ gia đình khác trên địa bàn xã, gia đình tôi không hướng đến mở rộng diện tích mà tập trung chủ yếu vào chăm sóc. Với mong muốn tiếp tục nâng cao chất lượng và phát triển rừng hồi theo hướng bền vững, năm 2020, tôi đã chủ động chuyển đổi 1 ha hồi của gia đình sang trồng theo hướng hữu cơ. Nhờ đó, chất lượng hoa hồi của gia đình tôi được nâng lên, năng suất hồi hữu cơ cũng tăng từ 10 đến 20% so với quy trình sản xuất truyền thống trước đây. Từ hiệu quả của mô hình, trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu hoạch từ 5 đến 6 tấn hoa hồi, với giá bán dao động từ 35 triệu đồng đến 45 triệu đồng/tấn, thu về lợi nhuận trên 200 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Cùng với việc phát triển trồng hồi, năm 2018, bà Khăm còn trồng thêm 400 gốc hồng vành khuyên, 300 cây mận (chủ yếu là mận lai táo) và gần 2 ha na. Rút kinh nghiệm từ mô hình trước, ngay khi bắt tay vào trồng các loại cây ăn quả này, bà đã chủ động học hỏi và áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, nhờ vậy hiện nay, tất cả diện tích trồng cây ăn quả của gia đình đều phát triển tốt, một số cây đã bắt đầu bói quả và cho thu hoạch năm đầu tiên.
Ngoài năng động trong phát triển kinh tế gia đình, theo đánh giá của chính quyền cơ sở, bản thân bà Khăm và gia đình luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như các quy định tại nơi cư trú. Đồng thời, gia đình bà còn tích cực tham gia các hoạt động, phong trào do thôn, xã phát động, đặc biệt là phong trào xây dựng nông thôn mới.
Cụ thể, năm 2022, khi chính quyền xã tuyên truyền, vận động người dân hiến đất làm đường giao thông, gia đình bà đã hiến 400 m2 đất lâm nghiệp để xây dựng tuyến đường trục xã Tồng Nọt – Hợp Nhất. Bên cạnh hiến đất, gia đình bà Khăm còn đóng góp 20 ngày công lao động, trên 7 triệu đồng tiền mặt để xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn như: đường giao thông; nhà văn hóa thôn…
Bà Chu Thị Quỳnh Như, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thượng Cường nhận xét: Bà Lý Thị Khăm luôn là hội viên gương mẫu, tham gia đầy đủ các hoạt động của hội và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế cho các hội viên khác. Bà Khăm cũng rất tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới.
Nhờ nỗ lực không ngừng trong phát triển kinh tế gia đình và những đóng góp thiết thực vào phong trào xây dựng nông thôn mới, tháng 2/2023, Bà Lý Thị Khăm vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước năm 2022.
Ý kiến ()