Hội viên phụ nữ làm giàu từ chăn nuôi vịt cổ xanh
– Những năm qua, phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo” đã lan tỏa sâu rộng trên địa bàn huyện Bình Gia. Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương hội viên phụ nữ điển hình làm kinh tế giỏi. Chị Hoàng Bích Ngọc (sinh năm 1989), hội viên phụ nữ thôn Nà Pái, xã Tân Văn là một điển hình.
Một ngày đầu tháng 6/2023, chúng tôi đến tham quan mô hình chăn nuôi vịt cổ xanh thả suối của gia đình chị Hoàng Bích Ngọc tại thôn Nà Pái. Chị Ngọc phấn khởi chia sẻ: Trung bình mỗi tháng, gia đình tôi xuất bán được 200 – 400 con vịt cổ xanh, với giá từ 250 – 270 nghìn đồng/con, đem lại thu nhập trên 600 triệu đồng/năm. Sau gần 5 năm thực hiện mô hình nuôi vịt cổ xanh thả suối, tôi thấy cách chăn nuôi này khoa học, hiệu quả kinh tế cao.
Chị Hoàng Bích Ngọc kiểm tra chất lượng vịt cổ xanh
Chị Ngọc sinh ra trong một gia đình thuần nông, đông anh em. Năm 2013, chị Ngọc lập gia đình, lúc đó, gia đình chị chủ yếu là trồng trọt và chăn nuôi nhưng với quy mô nhỏ, thu nhập thấp. Năm 2017, trong một lần tham quan học tập kinh nghiệm chăn nuôi tại tỉnh bạn, chị biết đến mô hình nuôi vịt thả suối. Tại đây, chị đã học hỏi nhiều kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi và từ đó, ý định khởi nghiệp từ chăn nuôi cũng nhen nhóm hình thành. Năm 2018, chị bàn với chồng sử dụng số vốn dành dụm được để mua 100 con vịt giống về để nuôi.
Thời gian đầu, chị Ngọc gặp rất nhiều khó khăn, do chị chưa có kinh nghiệm nuôi vịt quy mô lớn nên đàn vịt của gia đình bị nhiễm bệnh, bị chết gần một nửa đàn. Không bỏ cuộc, chị đã tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi vịt trên mạng Internet và học tập kinh nghiệm từ các mô hình chăn nuôi hiệu quả tại huyện Tràng Định và tỉnh Tuyên Quang. Bên cạnh đó, chị còn chủ động tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức để có thêm kiến thức trong chăn nuôi. Nhờ đó, việc chăn nuôi của gia đình dần phát triển, chị chủ động đầu tư tăng đàn theo từng năm. Đến nay, mô hình nuôi vịt của chị đã được mở rộng và luôn duy trì trên 1.200 con.
Chia sẻ về kinh nghiệm chăn nuôi, chị Ngọc cho biết: Để đàn vịt phát triển khỏe mạnh, cần chú ý đến khâu chọn giống. Đó phải là những con giống khỏe, nhanh nhẹn, tiếng kêu to. Đồng thời, trong quá trình nuôi, tôi thực hiện nghiêm ngặt quy trình tiêm phòng dịch bệnh, nhất là tiêm vắc-xin cho vịt con vào giai đoạn 3 và 7 ngày tuổi để phòng bệnh viêm gan và bệnh dịch tả vịt; cho vịt uống nước hoa hồi 2 lần/tháng để tăng sức đề kháng.
Khác với những mô hình chăn nuôi vịt cổ xanh khác, chị tận dụng lợi thế gần nhà có con suối Nà Pái là điều kiện để ngày ngày đàn vịt được bơi lội, tìm kiếm thêm thức ăn như cá, cua, ốc ngoài tự nhiên, sau một ngày chăn thả trên suối, tối vịt lại được lùa về và cho ăn rau, ngô đã chuẩn bị sẵn. Nhờ cách nuôi này, vịt cổ xanh của gia đình chị phát triển khỏe mạnh, nhanh lớn, thịt săn chắc, thơm ngon, không bị hôi như vịt nuôi cố định trong chuồng. Ngoài ra, chị cũng chăn thêm cám được nấu từ cây chuối rừng, rau khoai, cám gạo, ngô… để bổ sung chất dinh dưỡng cho đàn vịt.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Ngọc còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của các cấp, ngành phát động. Năm 2022, tại cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức, đề tài “Nuôi vịt cổ xanh thả suối gắn với sinh kế tại địa phương” của chị Ngọc đã đạt giải khuyến khích. Bên cạnh đó, chị Ngọc luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc đàn vịt cho các hội viên khác khi có nhu cầu đến tham quan, học tập kinh nghiệm. Năm 2023, chị cùng 11 thành viên khác thành lập HTX Phụ nữ thôn Nà Pái, với mong muốn cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi và xây dựng thương hiệu vịt cổ xanh . Và cũng trong năm 2023, HTX được Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ 1.150 con giống vịt cổ xanh để thực hiện đề tài “Dự án nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn gen giống vịt cổ xanh Lạng Sơn”.
Bà Phạm Thị Thương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Bình Gia nhận xét: Chị Hoàng Bích Ngọc là hội viên phụ nữ tiêu biểu, năng động trong phát triển kinh tế, không chỉ đem lại thu nhập cao cho gia đình mà còn tạo việc làm thêm cho các lao động tại địa phương. Với sự cần cù, chịu khó, dám nghĩ dám làm, chị Ngọc chính là tấm gương để các hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện học tập và noi theo. Đặc biệt, năm 2023, ý tưởng khởi nghiệp của chị Hoàng Bích Ngọc được HLHPN tỉnh hỗ trợ hơn 1.000 bao bì, 1.000 tem truy xuất nguồn gốc để phát triển ý tưởng khởi nghiệp nuôi vịt cổ xanh thả suối.
Với những nỗ lực và cố gắng đó, năm 2022, chị Hoàng Bích Ngọc vinh dự được nhận bằng khen của Hội LHPN tỉnh và giấy khen của Hội LHPN huyện vì đã có thành tích tiêu biểu trong phát triển công tác hội; được Sở Khoa học và Công nghệ tặng giấy khen vì đã có thành tích nổi bật trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Ý kiến ()