Hội viên nông dân vươn lên từ trồng cây ăn quả
– Những năm qua, anh Trần Duy Cường (sinh năm 1977), thôn Bản Nằm, xã Kháng Chiến, huyện Tràng Định đã năng động, chịu khó, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương trong phát triển kinh tế từ mô hình trồng cây ăn quả tổng hợp. Anh là một trong những hội viên nông dân điển hình về phát triển mô hình trồng cây ăn quả, đem lại thu nhập cao cho gia đình.
Những ngày đầu tháng 10/2022, có dịp đi cùng cán bộ hội nông dân xã, chúng tôi đến tham quan mô hình trồng cây ăn quả của gia đình anh Trần Duy Cường. Trong lúc đang tất bật chăm sóc cho vườn quả, anh Cường chia sẻ: Tôi sinh ra và lớn lên tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Đến năm 2004, tôi cùng gia đình lên Lạng Sơn để sinh sống, thời điểm đó, kinh tế gia đình rất khó khăn, thu nhập còn bấp bênh do chủ yếu dựa vào trồng ngô, lúa nên. Trải qua nhiều nghề, sau khi dành dụm được số vốn nhất định, tôi đã quyết định chuyển đổi cơ cấu cây trồng với mong muốn nâng cao thu nhập cho gia đình. Năm 2012, nhận thấy mô hình trồng hồng vành khuyên đem lại thu nhập khá cao, tôi đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng 300 gốc hồng.
Anh Cường chăm sóc cam
Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm, kỹ thuật trong việc trồng và chăm sóc cây hồng nên vườn hồng của anh Cường sinh trưởng, phát triển chậm, cho năng suất thấp. Nhận thấy, trồng hồng không khả quan nên anh đã mạnh dạn chặt bỏ toàn bộ cây hồng kém hiệu quả để dành đất trồng những loại cây ăn quả có giá trị hơn. Bên cạnh đó, anh tích cực tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật do cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức để xây dựng mô hình kinh tế phù hợp. Năm 2015, anh Cường đã mạnh dạn trồng 600 cây cam Vinh và 100 cây bưởi Diễn tại vườn nhà.
Rút kinh nghiệm từ những lần thất bại, lần này, anh chủ động tham quan thực tế để học hỏi các mô hình tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Cũng nhờ đó, anh xác định phát triển vườn cây theo hướng sản xuất hữu cơ, chăm bón bằng phân vi sinh, tuyệt đối không sử dụng thuốc hóa học. Để hạn chế tối đa sâu bệnh hại, khi tán cây phát triển rộng, anh cắt tỉa bớt cành tạo độ thoáng; chú trọng theo dõi từng giai đoạn sinh trưởng của cây, làm cỏ thường xuyên…
Sau 4 năm trồng và chăm sóc, vườn cây ăn quả của gia đình anh bắt đầu cho thu hoạch. Đến nay, vườn cây ăn quả của gia đình có 1.000 cây cam Vinh và 200 cây bưởi Diễn. Trung bình mỗi năm, anh Cường thu hoạch từ 10 đến 12 tấn cam, với giá bán từ 15.000 đến 20.000 đồng/kg; bưởi cho thu trên 3.000 quả/năm, với giá bán từ 15.000 đến 20.000/quả. Từ mô hình trồng cam và bưởi, mỗi năm, gia đình anh thu nhập từ 200 đến 250 triệu đồng.
Nhờ được chăm sóc đúng quy trình, vườn cây ăn quả của anh Cường cho năng suất cao, ổn định với chất lượng quả ngon, ngọt, được thị trường ưa chuộng. Sản phẩm chủ yếu phục vụ các khách hàng mua buôn ở tỉnh Hưng Yên, Bắc Giang… nên nhiều khi không đủ để cung cấp cho khách mua lẻ tại địa phương. Với những nỗ lực, cố gắng đó, năm 2021, anh Trần Duy Cường vinh dự được nhận giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Tràng Định vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, phát triển kinh tế gia đình.
Bà Phùng Bích Lệ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Kháng Chiến nhận xét: Không chỉ làm kinh tế giỏi, hội viên Trần Duy Cường còn luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào của hội, luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho hội viên trong xã có nhu cầu học tập kinh nghiệm mô hình trồng cây ăn quả của mình. Từ mô hình này, gia đình anh không chỉ có thu nhập cao mà hằng năm còn tạo việc làm thời vụ cho 3 – 5 lao động tại địa phương, qua đó, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của xã.
Ý kiến ()