Hội viên nông dân vươn lên từ kinh doanh vật liệu xây dựng
– Với sự năng động, nhạy bén, dám nghĩ dám làm để vượt khó, ông Phạm Doãn Chung (sinh năm 1968), hội viên nông dân Chi hội nông dân thôn Pá Phiêng, xã Hồng Phong, huyện Cao Lộc đã vươn lên làm giàu trong lĩnh vực kinh doanh vật liệu xây dựng, đem lại thu nhập khá cho gia đình, tạo việc làm ổn định cho một số lao động địa phương.
Đến thăm mô hình kinh doanh vật liệu xây dựng của gia đình ông Chung vào một ngày giữa tháng 5/2022, chúng tôi nhận thấy kho bãi khá rộng, ông và các lao động đang tất bật đưa hàng lên xe để kịp giao cho khách.
Mô hình kinh doanh vật liệu xây dựng của ông Phạm Doãn Chung
Ông Chung sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông tại xã Tòng Bạt, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội. Năm 1988, ông lập gia đình và rời quê lên thôn Pá Phiêng, xã Hồng Phong mua đất và sinh sống. Những ngày đầu mới lập gia đình, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Ông và vợ đã làm nhiều nghề khác nhau như chở đồ thuê cho bà con, thu nhập không cao. Trước khó khăn như vậy, ông đã luôn trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế gia đình.
Sau thời gian tìm hiểu, ông nhận thấy trên địa bàn xã chưa có nhiều hộ kinh doanh gạch bê tông, trong khi đó, nhu cầu của bà con về vật liệu xây dựng nhà ở và các công trình phụ ngày càng lớn nên năm 2005, ông đã bàn bạc với vợ đầu tư mở xưởng sản xuất gạch bê tông không nung và có dịch vụ chở hàng đến tận công trình cho khách.
Ông cho biết: Do kinh tế khó khăn, tôi phải vay 500 triệu đồng từ ngân hàng để mở xưởng, đầu tư hệ thống máy móc sản xuất gạch và mua ô tô tải chở gạch. Thời điểm đó, mỗi năm tôi bán được khoảng 20 vạn viên gạch ra thị trường các xã trong huyện và tạo việc làm cho 2 lao động với mức thu nhập khoảng 1 triệu đồng/người/ tháng. Do giá bán ổn định và chủ động trong khâu vận chuyển hàng cho khách nên bà con biết đến cửa hàng nhiều hơn. Từ năm 2010, tôi có số vốn tích lũy nên mở rộng quy mô, đa dạng mặt hàng kinh doanh như: xi măng, cát, đá, sắt và mua thêm 3 xe ô tô chở hàng để kịp thời giao hàng đến các công trình.
Được biết, từ năm 2016 đến nay, trung bình mỗi năm, ông bán ra hơn 500 khối cát, hơn 500 khối đá, hơn 200 tấn xi măng… phục vụ nhu cầu xây dựng của bà con không chỉ của xã Hồng Phong mà còn có các xã khác trên địa bàn huyện Cao Lộc. Mô hình kinh doanh vật liệu xây dựng đã đem lại thu nhập cho gia đình ông từ 150 triệu đồng đến 250 triệu đồng/năm sau khi đã trừ chi phí. Ngoài ra, còn tạo việc làm cho 3 lao động địa phương với thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông còn tích cực, nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội và có nhiều đóng góp trong phong trào xây dựng nông thôn mới của xã như xây dựng nhà văn hóa thôn. Trong tháng 12/2021, ông Chung đã hỗ trợ 3 khối cát cho gia đình ông Âu Viết Muội (gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn), thôn Nà Lầm, xã Hồng Phong xây dựng nhà ở. Trong 5 năm qua, ông đã hỗ trợ cho hơn 30 hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện mua vật liệu xây dựng trả sau với giá hợp lý.
Ông Hoàng Văn Huấn, Chủ tịch UBND xã Hồng Phong cho biết: Trong những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi được đông đảo hội viên nông dân của xã Hồng Phong hưởng ứng tham gia. Trong đó, ông Phạm Doãn Chung là hội viên tiêu biểu thực hiện phong trào này. Mô hình kinh tế của ông Chung không chỉ giúp gia đình tăng thu nhập mà còn tạo việc làm cho lao động địa phương.
Với sự cố gắng nỗ lực đó, tháng 10/2021, ông Chung đã được nhận bằng khen của Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững ” giai đoạn 2016 – 2021. Đây cũng chính là động lực để ông Chung tiếp tục phấn đấu vươn lên, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội.
Ý kiến ()