Hội viên nông dân năng động trong sản xuất, kinh doanh
– Những năm qua, nhờ sự chăm chỉ, cần cù, nhạy bén trong phát triển kinh tế, chị Hoàng Thị Bích Ngọc (sinh năm 1980), thôn Nà Ván, xã Tri Phương, huyện Tràng Định đã trở thành tấm gương sáng trong sản xuất kinh doanh. Từ mô hình kinh doanh vật liệu xây dựng và sản xuất gạch bê tông, trung bình mỗi năm, đem lại thu nhập cho gia đình trên 300 triệu đồng và tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông tại thôn Phai Sào, xã Tri Phương, năm 2001, chị Ngọc lập gia đình và ra ở riêng tại thôn Nà Ván. Khi mới lập gia đình, cuộc sống của vợ chồng chị gặp nhiều khó khăn, thu nhập chỉ trông chờ vào vài sào ruộng. Trước những khó khăn đó, chị và chồng luôn trăn trở làm sao để tìm hướng vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Sau thời gian tìm hiểu, nhận thấy nhu cầu người dân trên địa bàn xã về vật liệu xây dựng ngày càng cao, với số vốn tích góp được, năm 2015, chị đã mạnh dạn đầu tư mở cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng với trên 50 mặt hàng như: sắt, thép, gạch hoa… Nhờ làm ăn có uy tín, cửa hàng ngày một đông khách, gia đình chị kinh doanh ngày càng hiệu quả, thu nhập cũng tăng lên đáng kể.
Chị Hoàng Thị Ngọc Bích kiểm tra chất lượng gạch tại cửa hàng
Không dừng lại ở đó, với mong muốn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, năm 2020, nhận thấy trên địa bàn xã thiếu nguồn cung gạch bê tông, bà con muốn mua thường phải sang nơi khác, vận chuyển đường dài, giá thành cao, chị đã bàn với chồng đầu tư 300 triệu đồng để mở xưởng sản xuất gạch bê tông và xe tải vận chuyển…
Chị Ngọc chia sẻ: Để có thêm kinh nghiệm, tôi đã tự tìm hiểu công nghệ sản xuất gạch thông qua sách, báo, internet và đi học tập kinh nghiệm ở các tỉnh bạn như: Thái Nguyên, Bắc Ninh… Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm nên tôi còn gặp khó khăn khi lô gạch sản xuất ra còn khá thô, khả năng chống thấm kém. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tôi nhận ra, muốn sản xuất một viên gạch vừa có độ thẩm mĩ cao, vừa có khả năng chống thấm tốt cần phải tăng tỉ lệ xi măng, giảm tỉ lệ mạt đá. Như vậy, viên gạch cho ra sẽ vuông vắn, có độ kết dính và độ chống thấm cao. Để có thêm kinh nghiệm, tôi thường xuyên tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức, từ đó có thêm kinh nghiệm để ứng dụng vào sản xuất kinh doanh, sử dụng nguồn vốn hiệu quả.
Nhờ vậy, việc sản xuất kinh doanh của gia đình ngày càng thuận lợi, sản phẩm gạch bê tông được thị trường ưa chuộng. Với giá thành hợp lý, chất lượng cao, gạch của gia đình chị được người dân tin tưởng sử dụng. Hằng năm, cơ sở sản xuất của chị Ngọc cung cấp cho người dân trong và ngoài xã trên 60.000 viên gạch với giá bán 4.000 đồng/viên. Từ mô hình kinh doanh vật liệu và sản xuất gạch bê tông đã đem lại cho gia đình thu nhập trên 300 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí. Không chỉ đảm bảo cuộc sống cho gia đình, xưởng gạch của chị Ngọc còn tạo việc làm thường xuyên cho 4 đến 6 lao động địa phương với thu nhập bình quân từ 6 đến 8 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, bản thân chị Ngọc và gia đình luôn thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nghĩa vụ của công dân nơi cư trú. Đồng thời, gia đình chị luôn tích cực đóng góp, tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua do các cấp các, ngành phát động; tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, xã hội, thể thao, nhân đạo từ thiện…
Ông Bế Văn Đạo, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tri Phương nhận xét: Ngoài làm kinh tế giỏi, hội viên Hoàng Thị Bích Ngọc luôn tích cực tham gia các hoạt động do hội nông dân phát động và là một trong những hội viên nông dân tiêu biểu của địa phương. Chị còn là hội viên tích cực tham gia các phong trào hội, thường xuyên hỗ trợ và tạo việc làm cho nhiều hội viên khó khăn, chia sẻ kinh nghiệm làm giàu để các hội viên khác học và noi theo.
Với sự cố gắng, nỗ lực đó, tháng 10/2021, chị Ngọc được nhận bằng khen của Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2016 – 2021.
MAI LINH
Ý kiến ()