Hội viên nông dân năng động phát triển kinh tế
– Anh Hoàng Công Trúc (sinh năm 1978), hội viên Chi hội nông dân thôn Lân Luông, xã Long Đống, huyện Bắc Sơn được biến đến là một nông dân năng động trong phát triển kinh tế với mô hình trồng trọt, chăn nuôi và xưởng cơ khí, đem lại thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.
Anh Trúc sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông tại xã Long Đống. Năm 1997, anh tốt nghiệp ngành học cơ điện của Trường Cao đẳng Cơ khí nông nghiệp Vĩnh Phúc và trở về quê hương lập thân, lập nghiệp. Thời điểm sau khi ra trường, cuộc sống của gia đình anh khó khăn, anh đã trải qua nhiều nghề để kiếm sống như đi làm phụ hồ rồi nhận thầu công trình xây nhà ở, làm khoan nổ đường, mở đường. Mãi đến năm 2013, sau hơn 15 năm đi làm, anh dành dụm được số vốn để về mở xưởng cơ khí tại nhà.
Anh Trúc chăm sóc vườn bưởi
Theo đó, anh làm mái tôn, cửa xếp và sửa chữa máy móc nông nghiệp cho bà con trong thôn, xã. Hiện nay, khách hàng của anh không chỉ ở trong huyện mà đã mở rộng sang huyện lân cận như Bình Gia. Từ xưởng cơ khí trên, mỗi năm, anh thu về khoảng 120 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Ngoài ra, anh còn tạo việc làm cho 3 đến 4 lao động địa phương, với mức thu nhập 250.000 đồng/ngày.
Với bản tính cần cù, chịu khó, trong 10 năm qua, anh còn phát triển chăn nuôi lợn nhằm tăng thêm thu nhập. Anh đầu tư nuôi 2 con lợn nái sinh sản 2 lứa/năm. Mỗi năm, anh bán từ 40 đến 50 con lợn giống, thu về khoảng 50 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Bên cạnh đó, năm 2016, anh đã chuyển đổi diện tích đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng 600 cây bưởi Diễn, bưởi hoàng và bưởi da xanh. Sau 5 năm chăm sóc, năm 2021, gia đình anh thu được lứa bưởi đầu tiên với hơn 1.000 quả bưởi các loại, đem lại thu nhập hơn 10 triệu đồng. Đồng thời, năm 2019, anh Trúc còn trồng thêm cây thìa canh và năng động tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm.
Anh Trúc cho biết: Trong một lần được xem mô hình trồng cây thìa canh tại tỉnh Nam Định ở trên tivi, tôi thấy mô hình hay, đem lại thu nhập cao. Tôi đã quyết định thử nghiệm mua giống thìa canh về trồng với diện tích 0,6 ha. Trong quá trình trồng, chăm sóc, tôi nhận thấy cây thìa canh phù hợp với đất đai, khí hậu và phát triển tốt. Riêng năm 2021, tôi đã chủ động liên kết với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu dược liệu Kim Sơn (xã Hưng Vũ, huyện Bắc Sơn) để bao tiêu sản phẩm cây thìa canh. Theo đó, tôi đã cắt bán cho công ty được hơn 3 tấn với giá 6.000 đồng/kg tươi, thu về 20 triệu đồng. Dự kiến năm 2022, tôi sẽ thu về khoảng 10 tấn thìa canh, đem lại thu nhập hơn 60 triệu đồng.
Từ mô hình trồng trọt, chăn nuôi và mở xưởng cơ khí đã đem lại cho gia đình anh Trúc nguồn thu nhập hơn 200 triệu đồng mỗi năm sau khi trừ chi phí. Được biết, trong tháng 11/2022, anh Trúc sẽ trồng thêm 5 sào cây thìa canh bởi hiệu quả kinh tế đem lại cao.
Nhận xét về anh Trúc, ông Hoàng Văn Chuyền, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Đống cho biết: Anh Trúc là hội viên nông dân tiêu biểu của xã đã vươn lên phát triển kinh tế từ mô hình trồng trọt, chăn nuôi và làm xưởng cơ khí đem lại thu nhập cao. Anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho mọi người trong xã và huyện khi đến tham quan, học tập mô hình phát triển kinh tế của gia đình. Ngoài ra, anh Trúc còn rất nhiệt tình tham gia các phong trào của hội cũng như của địa phương phát động.
Với sự năng động, cố gắng đó, năm 2021, anh Trúc được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2016 – 2021.
Ý kiến ()