Hội viên nông dân năng động
(LSO) – Với sự cần cù, chăm chỉ cùng sự nhạy bén, nắm bắt thị trường, ông Linh Hồng Biên (sinh năm 1966) ở thôn Đồng Heo, xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng đã nỗ lực vươn lên làm kinh tế giỏi với mô hình kinh tế tổng hợp, thu nhập 350 triệu đồng/năm.
Trò chuyện được biết, trước đây, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, đông anh em nên ông Biên chỉ học hết lớp 7. Sau đó, các anh chị đi bộ đội nên ông phải ở nhà phụ giúp bố mẹ công việc đồng áng. Năm 1999, ông lập gia đình, ra ở riêng. Một năm sau, ông đi học nghề lái xe và làm lái xe cho Hợp Tác xã Môi trường của huyện.
Ông Linh Hồng Biên chăm sóc cây keo
Thời gian đó, vừa lái xe cho hợp tác xã, ông Biên vừa tranh thủ phát triển kinh tế gia đình. Dẫn chúng tôi đi tham quan rừng keo và bạch đàn đang độ tuổi lớn, ông Biên tâm sự: “Vợ chồng tôi ra ở riêng được bố mẹ chia cho 1 mẫu đất và 1,5 ha rừng. Trên chính diện tích rừng này trước kia chỉ trồng sắn, mè, thu nhập chẳng đáng là bao. Sau đó, tôi cũng theo phong trào của huyện trồng vải thiều. Nhưng hồi đó con cái còn nhỏ, nhà lại neo người nên hai vợ chồng không làm hết việc, vải chín đỏ cũng không có thời gian thu hoạch. Cùng với câu chuyện “được mùa mất giá” diễn ra hằng năm nên từ năm 2010, tôi mạnh dạn phá bỏ vải thiều để chuyển sang trồng rừng”.
Năm 2012, ông Biên nghỉ lái xe để về chuyên tâm phát triển kinh tế gia đình. Từ đó, để có thu nhập và có tiền nuôi con ăn học, ông duy trì nuôi 2 lứa lợn thịt/năm; mỗi lứa từ 8 – 10 con. Tận dụng phụ phẩm của chăn nuôi, mỗi ngày gia đình ông nấu thêm 10 lít rượu nếp để cung cấp cho bà con trong thôn, xã.
Cũng tại thời điểm đó, nhận thấy nhu cầu xay sát thóc gạo và gặt lúa của bà con cao, ông mạnh dạn vay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 350 triệu đồng mua máy gặt lúa, máy xát thóc để vừa phục vụ gia đình, vừa làm dịch vụ.
Năm 2015, rừng keo, bạch đàn của gia đình ông Biên cho thu hoạch. Từ đó, có chút vốn cộng với số tiền gia đình tiết kiệm được, ông tiếp tục đầu tư trồng rừng và vay mượn thêm để mua thêm một máy gặt đập liên hoàn.
Ông Biên chia sẻ: Khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển dần thay thế sức lao động của con người. Vì vậy tôi “liều” đầu tư máy gặt đập liên hoàn để gặt được những cánh đồng mẫu lớn, tập trung, nâng cao giá trị sản xuất. Để thu hút khách, ban đầu tôi vừa làm, vừa khuyến mại cho khách. Cùng với việc chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ nên từ đó đến nay, cứ mùa gặt tôi có công việc ổn định với một lượng khách quen tin tưởng đặt hàng.
Không chỉ dừng lại ở trồng rừng, chăn nuôi, làm máy xát, máy gặt; tận dụng diện tích đất trống, năm 2014, ông Biên trồng thêm 50 cây bưởi da xanh và bưởi Diễn. Năm 2018, vườn bưởi của gia đình ông cho thu hoạch. Vụ đầu tiên ông không bán mà để làm quà cho anh em, bạn bè, đồng thời tích góp thêm kinh nghiệm để chăm sóc cây tốt hơn.
Nhận thấy điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với cây bưởi, sau khi thu hoạch vườn vụ đầu, ông tiếp tục xuống giống trồng thêm 50 cây bưởi da xanh. Tiếp đó, ông trồng thêm 100 cây chuối Tây bằng giống nuôi cấy mô để nâng cao thu nhập.
Ông Bùi Hữu In, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Tân cho biết: Ông Linh Hồng Biên là một trong những hội viên tiêu biểu của hội nông dân xã, năng động, dám nghĩ, dám làm. Là người đầu tiên đầu tư mua máy gặt đập liên hoàn để làm dịch vụ phục vụ bà con trong xã, huyện và bà con các tỉnh bạn. Với những cố gắng, nỗ lực đó, năm 2018, gia đình hội viên Biên vinh dự được nhận bằng khen của UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lao động, sản xuất, kinh doanh giỏi, là tấm gương để các hội viên nông dân khác học tập, noi theo.
Ý kiến ()