Hội viên nông dân năng động
(LSO) – Với ý chí, lòng quyết tâm cùng sự cần cù, năng động, ông Tàng Văn Vìn, thôn Nà Vang, xã Bính Xá, huyện Đình Lập đã không ngừng nỗ lực vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương. Ông là tấm gương tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế của xã nhiều năm nay.
Ông Vìn sinh năm 1975 trong một gia đình nông dân đông anh em. Hoàn cảnh khó khăn cùng với điều kiện thực tế thời bấy giờ, tại thôn, xã không có trường học nên bản thân ông chỉ học hết lớp 1. Năm 1986, sau khi học xong lớp 1, cậu bé Vìn ở nhà phụ giúp bố mẹ công việc đồng áng như: chăn trâu, cắt cỏ, làm ruộng. Từ năm 1995, gia đình được nhà nước giao quản lý một vài héc ta rừng thông và rừng tái sinh. Từ đó, hằng ngày cùng với công việc làm nông, tranh thủ thời gian rảnh chàng trai trẻ lại cùng gia đình tập trung chăm sóc diện tích rừng được giao.
Ông Tàng Văn Vìn, thôn Nà Vang, xã Bính Xá, huyện Đình Lập đang khai thác nhựa thông
Năm 1999, khi lập gia đình và ra ở riêng, vợ chồng ông Vìn khi đó được bố mẹ chia cho 6 sào ruộng. Cùng năm đó, nhà nước triển khai dự án trồng rừng Việt Đức. Với sức trẻ, sự cần cù, năng động, vợ chồng ông mạnh dạn đăng ký tham gia trồng 2 ha thông theo dự án. Thời điểm đó, trồng rừng còn là “khái niệm” khá mới mẻ với bà con nơi đây, bởi mọi người vốn dĩ chỉ quen với việc làm ruộng, trồng lúa, ngô, khoai, sắn.
Ông Vìn tâm sự: Năm 2000, diện tích rừng trước đây gia đình tôi được giao quản lý bắt đầu cho thu hoạch. Nhận thấy hiệu quả kinh tế thiết thực, từ đó, tôi quyết tâm phát triển kinh tế rừng. Nghĩ là làm, cứ tranh thủ thời gian rảnh, vợ chồng tôi lại khai phá thêm diện tích rừng để trồng mới. Nhờ nỗ lực, kiên trì, chỉ tính từ năm 2001-2008, gia đình tôi trồng được 12 ha thông. Sau đó, hằng năm tôi đều duy trì trồng mới. Đến nay, tôi đã trồng được hơn 30 ha thông.
Nhận thức được việc phát triển kinh tế rừng phải kiên trì, vì sau một thời gian từ 15 đến 17 năm rừng mới cho khai thác. Trong khoảng thời gian chờ rừng phát triển, để duy trì cuộc sống và có điều kiện nuôi các con ăn học, vợ chồng ông Vìn làm ruộng và chăn nuôi. Bình quân mỗi năm trồng từ 5-6 sào lúa và chăn nuôi 2 lứa lợn thịt, mỗi lứa 5 con… Nhờ chăm chỉ, cần cù, từ chăn nuôi, làm ruộng, có chút vốn ông Vìn đầu tư mở thêm cửa hàng tạp hóa phục vụ cho bà con trong thôn, xã.
Năm 2015, ông được khai thác nhựa thông từ diện tích rừng trồng. Từ đó, cứ đến vụ thu hoạch nhựa, gia đình ông lại tạo việc làm thời vụ cho khoảng 5-6 lao động, với mức lương 200 nghìn đồng/người/ngày.
Ông Lộc Văn Táy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bính Xá cho biết: Ông Vìn là một trong những hội viên năng động tiêu biểu của Hội Nông dân xã Bính Xá.Ông rất nhạy bén trong sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế hộ gia đình; đi đầu trong các phong trào thi đua của hội. Đặc biệt, năm 2004, khi xã triển khai làm đường giao thông liên thôn vào khu tái định cư Nà Lầm, gia đình ông Vìn đã hiến 300 m2 đất để tạo điều kiện mở đường đi cho bà con. Đây là một việc làm tốt đẹp, rất đáng ghi nhận bởi trên diện tích đó, gia đình ông Vìn đang có rừng thông sắp đến tuổi khai thác. Tuy nhiên, ông vẫn chọn hy sinh cái riêng, vì cái chung của cộng đồng.
Với những nỗ lực và đóng góp của mình, năm 2016, gia đình ông Vìn vinh dự được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua sản xuất- kinh doanh giỏi giai đoạn 2011-2016. Hiện nay, gia đình ông duy trì đều đặn mô hình kinh tế tổng hợp: trồng rừng, chăn nuôi và kinh doanh hàng tạp hóa, mỗi năm có thu nhập ổn định trên 300 triệu đồng.
Ý kiến ()