Hội viên nông dân làm giàu từ rừng
– Trong chuyến công tác về xã Lâm Ca, huyện Đình Lập, chúng tôi được Hội Nông dân xã giới thiệu đến gia đình ông Bế Văn Cường, sinh năm 1966, thôn Khe Dăm. Ông là hội viên nông dân tiêu biểu với mô hình trồng rừng cho thu nhập 500 triệu đồng/năm.
Dẫn chúng tôi đi thăm cánh rừng thông bạt ngàn của gia đình, ông Cường tâm sự: Tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình làm nông nghiệp, kinh tế khó khăn đã thôi thúc tôi tìm hướng thoát nghèo. Bản thân tôi đã trải qua nhiều nghề nhưng thu nhập vẫn không được cải thiện, nhận thấy xã Lâm Ca có lợi thế về phát triển đồi rừng nên từ năm 2001, gia đình tôi quyết định phát triển kinh tế từ trồng thông.
Nghĩ là làm, ông vay vốn từ người thân, bạn bè và vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để trồng 20 ha thông.
Ông Bế Văn Cường chăm sóc cây sa nhân
Nhờ sự năng động, chịu khó, toàn bộ diện tích rừng thông của gia đình ông phát triển tốt. Từ năm 2016 đến nay, trung bình mỗi năm, gia đình ông khai thác được khoảng 10 tấn nhựa thông, với giá bán từ 30 đến 35 nghìn đồng/kg, gia đình ông có thu nhập 300 triệu đồng/năm.
Cùng với thông, năm 2007, gia đình ông Cường tiếp tục cải tạo diện tích đất đồi rừng để trồng 4 ha cây keo. Nhận thấy cây keo sinh trưởng phát triển tốt, phù hợp với điều kiện tự nhiên ở xã nên đến nay, gia đình ông đã trồng được 17 ha.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Cường cho biết: Làm gì cũng cần sự kiên trì và chịu khó, đặc biệt, để có kiến thức áp dụng vào sản xuất, hằng năm, tôi đều tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do Hội Nông dân xã phối hợp tổ chức. Đối với việc khai thác cây keo, gia đình tôi chọn cách bán tỉa để giữ rừng và nuôi dưỡng nguồn lợi lâu dài từ rừng. Khai thác đến đâu, gia đình tôi trồng mới ngay đến đó, nhờ đó, năm nào, gia đình tôi cũng được khai thác từ 6 đến 7 ha, doanh thu khoảng 400 triệu đồng.
Bên cạnh phát triển kinh tế rừng, từ năm 2017, tận dụng những diện tích đất đồi còn lại của gia đình, ông trồng thêm cây dược liệu. Đến nay, ông đã trồng được 1 ha cây sa nhân, khoảng 3.000 cây trà hoa vàng, hiện cây sinh trưởng, phát triển tốt, năm 2021, cây sa nhân đã bói quả, dự kiến năm nay sẽ đem lại thu nhập cho gia đình.
Từ hiệu quả của mô hình trồng rừng, gia đình ông có doanh thu 700 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí thuê nhân công và mua phân bón, gia đình ông có thu nhập 500 triệu đồng/năm. Đồng thời, tạo việc làm cho từ 10 đến 15 lao động thời vụ trên địa bàn xã.
Ông Tô Hồng Cường, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Ông Bế Văn Cường là một trong những hội viên nông dân tiêu biểu dám nghĩ, dám làm, không ngại khó khăn vươn lên phát triển kinh tế của Hội Nông dân xã. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, ông cũng thường xuyên giúp đỡ, chia sẻ về kinh nghiệm trồng rừng cho hội viên và Nhân dân trên địa bàn xã để phát triển kinh tế đồi rừng. Hằng năm, ông Cường phổ biến kinh nghiệm trồng cây sa nhân, cây trà hoa vàng và cây keo cho từ 16 đến 20 hộ trên địa bàn xã. Qua đó, góp phần thúc đẩy kinh tế của xã phát triển. Ngoài ra, ông và gia đình cũng tích cực ủng hộ, tham gia cuộc vận động, phong trào thi đua do các cấp, nghành phát động; nhiệt tình tham gia các phong trào ở xã.
Từ những cố gắng, nỗ lực của bản thân, tháng 10/2021, ông vinh dự được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2016 – 2021.
Ý kiến ()