Hội viên nông dân làm giàu từ mô hình trồng rừng kết hợp chăn nuôi
- Những năm qua, với sự cần cù, chịu khó và quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, anh Nông Văn Quang, sinh năm 1981, hội viên Hội Nông dân thôn Co Hương, xã Hữu Kiên, huyện Chi Lăng đã xây dựng thành công mô hình trồng rừng kết hợp chăn nuôi đem lại thu nhập trên 250 triệu đồng/năm.
Anh Quang chăm sóc ngựa bạch
Chúng tôi có dịp đến tham quan mô hình kinh tế của gia đình anh Nông Văn Quang khi anh đang tất bật chăm sóc đàn ngựa bạch của gia đình. Anh Quang chia sẻ: Tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông. Trước đây, kinh tế của gia đình chủ yếu dựa vào vài sào ruộng, nương ngô nên đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2000, từ 20 triệu đồng số tiền tích góp, tôi đã mua 4 con dê giống để chăm sóc. Nhờ được chăm sóc tốt, đàn dê phát triển tăng đàn nhanh (mỗi năm dê sinh sản 2 lần, mỗi lần từ 1 đến 3 con). Trung bình mỗi năm, gia đình xuất bán từ 10 đến 15 con dê thương phẩm. Cùng đó, từ năm 2014, gia đình tôi đầu tư trồng trên 7 ha bạch đàn và 3 ha thông. Năm 2022, gia đình tôi khai thác hơn 4 ha bạch đàn đem lại thu nhập trên 120 triệu đồng. Hiện gia đình còn khoảng 3 ha bạch đàn đang đến tuổi cho khai thác.
Bên cạnh đó, từ năm 2015, gia đình anh Quang đầu tư mua 2 con ngựa bạch về chăm sóc. Những ngày mới bắt tay vào xây dựng mô hình nuôi ngựa bạch, anh Quang gặp rất nhiều khó khăn do ngựa ốm bệnh, chậm lớn. Không nản chí, anh chủ động tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi kiến thức về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho đàn ngựa trên sách, báo, internet. Đồng thời, anh tích cực tham gia các lớp tập huấn về cách phòng và trị bệnh cho gia súc; kỹ thuật vệ sinh, tiêu độc, sát trùng chuồng trại, cách ly, tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn ngựa do xã, huyện tổ chức. Sau quá trình học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, anh áp dụng vào mô hình của gia đình.
Kết quả, từ năm 2020 đến nay, gia đình anh duy trì nuôi 10 đến 12 con ngựa bạch sinh sản, mỗi năm đàn ngựa sinh thêm 4 đến 6 con. Sau 5 tháng chăm sóc, ngựa con được xuất chuồng, mỗi con bán được từ 30 đến 40 triệu đồng. Nhờ đó, bình quân mỗi năm gia đình anh thu về trên 110 triệu đồng từ bán ngựa.
Nhờ phát triển hiệu quả mô hình trồng rừng kết hợp chăn nuôi, trung bình mỗi năm, gia đình anh Quang có thu nhập trên 250 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Hiện nay, gia đình anh đã xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm đầy đủ tiện nghi sinh hoạt trong gia đình, chăm lo cho con cái được học hành.
Không chỉ năng động trong phát triển kinh tế gia đình, anh Quang còn rất tích cực tham gia các hoạt động, phong trào do thôn, xã phát động. Anh luôn là người đi đầu nêu gương trong các hoạt động kêu gọi, đóng góp ủng hộ quỹ an sinh xã hội trên địa bàn xã. Từ năm 2022 đến nay, gia đình anh Quang đã giúp đỡ cho 5 hộ dân trong thôn vay 75 triệu đồng không tính lãi để đầu tư phát triển sản xuất. Ngoài ra, hằng năm gia đình anh còn tạo việc làm thời vụ cho 4 lao động địa phương với mức thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng/người/tháng; đóng góp xây dựng nông thôn mới trên địa bàn 1,2 triệu đồng năm 2023.
Ông Nông Văn Nghị, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hữu Kiên cho biết: Anh Quang là hội viên nông dân tiêu biểu của xã trong phong trào thi đua, phát triển kinh tế tại địa phương. Anh đã tiên phong xây dựng và phát triển thành công mô hình trồng rừng kết hợp chăn nuôi đem lại thu nhập cao. Ngoài việc phát triển kinh tế gia đình, anh còn cùng bà con trong thôn chung tay, góp sức làm đường bê tông, xây dựng nhà văn hóa thôn… Qua đó, góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Với sự nỗ lực, cần cù trong lao động sản xuất, tháng 1/2024, anh Quang vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo và tạo việc làm cho người lao động tại địa phương.
Ý kiến ()