Hội viên nông dân làm giàu từ mô hình kinh tế tổng hợp
– Với sự chăm chỉ, cần cù và ý chí vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương, chị Hoàng Thúy Đào (sinh năm 1981), thôn Hét, xã Vân Nham, huyện Hữu Lũng đã xây dựng thành công mô hình kinh tế tổng hợp mang lại hiệu quả cao với thu nhập 250 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.
Chị Đào sinh ra và lớn lên trong gia đình đông anh em, hoàn cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn. Sau khi tốt nghiệp lớp 12, chị ở nhà phụ giúp bố mẹ việc đồng áng. Năm 2001, chị Đào lập gia đình và phát triển kinh tế tại địa phương. Nhận thấy việc canh tác, sản xuất theo phương thức truyền thống, manh mún, nhỏ lẻ, hiệu quả không cao nên chị luôn trăn trở tìm hướng phát triển các mô hình sản xuất mới, phù hợp để nâng cao thu nhập.
Chị Đào chăm sóc vườn thanh long của gia đình
Quá trình tìm hiểu, thấy mô hình trồng cây thanh long cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao, năm 2017, chị đầu tư trồng 300 trụ thanh long trên diện tích hơn 6 sào. Sau hơn 1 năm vườn thanh long bắt đầu cho thu quả. Nhận thấy loại cây ăn quả này có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ ổn định, năm 2019, chị tiếp tục mở rộng trồng thêm 4 sào. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, vườn thanh long của gia đình chị phát triển tốt. Từ năm 2020 đến nay, trung bình mỗi năm, chị Đào thu 10 tấn quả, đem lại thu nhập 150 triệu đồng/năm.
Ngoài vườn cây ăn quả, nhận thấy mô hình chăn nuôi gia súc theo hình thức nhốt chuồng dễ chăm sóc lại cho hiệu quả cao, đầu năm 2021, chị Đào đầu tư xây dựng chuồng trại rộng trên 60 m2 để nuôi trâu vỗ béo.
Chị Đào cho biết: Năm đầu tiên, tôi nuôi 9 con trâu vỗ béo. Nhờ liên kết tiêu thụ với các lò mổ nên trâu thương phẩm của gia đình tiêu thụ ổn định. Tháng 9/2021, gia đình tôi tiếp tục tăng đàn lên 21 con. Từ đầu năm 2022 đến nay, gia đình xuất bán 10 con trâu thương phẩm, thu về 400 triệu đồng. Hiện chuồng nuôi còn 11 con trâu, gia đình dự kiến sẽ nhập thêm khoảng 10 con để tiếp tục vỗ béo, duy trì đàn.
Nhận thấy nguồn phân chuồng dồi dào, đầu năm 2021, chị tận dụng nuôi giun quế để làm nguồn thức ăn chăn nuôi ngan. Trung bình một năm, chị xuất bán 2 đến 3 lứa, mỗi lứa từ 300 đến 500 con ngan. Cùng đó, từ năm 2012, gia đình chị đầu tư máy làm bún khô để phục vụ nhu cầu của người dân quanh vùng và giao cho đầu mối tại các chợ trên địa bàn huyện. Với mô hình kinh tế tổng hợp này, sau khi trừ chi phí, gia đình chị Đào có thu nhập ổn định 250 triệu đồng/năm.
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế, chị Đào cho biết: Để trồng cây, chăn nuôi hiệu quả, cần nhất là tính cần cù, ham học hỏi, có thất bại cũng không nản chí. Cùng đó, chị tích cực tham gia các lớp tập huấn do xã, huyện tổ chức; tham quan học hỏi các mô hình có hiệu quả để áp dụng kỹ thuật vào thực tế chăn nuôi, trồng trọt; chủ động tìm kiếm, liên kết đầu mối tiêu thụ để có thị trường tiêu thụ ổn định…
Ông Đàm Quốc Cường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vân Nham cho biết: Với bản tính cần cù, kiên trì, hội viên nông dân Hoàng Thúy Đào đã xây dựng thành công mô hình kinh tế tổng hợp mang lại hiệu quả cao, trở thành hội viên nông dân tiêu biểu trong phát triển kinh tế ở xã. Cùng đó, chị Đào cũng nhiệt tình, sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cho các hội viên nông dân khác có nhu cầu, nên chị luôn được bà con tin yêu, quý mến.
Với những cố gắng đó, cuối năm 2021, chị Đào được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2016 – 2021.
Ý kiến ()