Hội viên nông dân làm giàu từ mô hình kinh tế tổng hợp
– Đó là ông Nguyễn Văn Thắng, hội viên Chi hội Nông dân thôn Đá Mài, xã Thiện Tân, huyện Hữu Lũng. Nhờ sự năng động, mạnh dạn, dám nghĩ dám làm, ông đã xây dựng thành công mô hình kinh tế tổng hợp đem lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Ông Nguyễn Văn Thắng, sinh năm 1968 trong một gia đình thuần nông tại thôn Đá Mài, xã Thiện Tân. Năm 1987, ông lập gia đình, kinh tế gặp nhiều khó khăn vì thu nhập chỉ trông chờ vào lúa, ngô. Do đó, ông luôn trăn trở làm thế nào để phát triển kinh tế gia đình, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.
Sản phẩm phân dơi được đóng bao trước khi xuất bán ra thị trường
Năm 2000, nhận thấy trên địa bàn xã có hang dơi rộng lớn với nguồn nguyên liệu dồi dào, ông đứng ra vận động và liên kết với một số thành viên khác thành lập hợp tác xã để thực hiện quản lý, bảo vệ, khai thác và thu gom phân dơi. Ông Thắng cho biết: Hợp tác xã chủ yếu thu mua phân dơi mà bà con trên địa bàn xã khai thác được, sau đó, đóng bao và tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Nhờ hoạt động hiệu quả nên hằng năm, hợp tác xã thu mua và tiêu thụ ra thị trường trên 30 tấn phân dơi, đem lại thu nhập 300 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Cùng đó, cũng từ năm 2000, ông tận dụng diện tích đất đồi rừng bỏ không của gia đình để trồng keo. Nhận thấy hiệu quả kinh tế, ông còn thuê đất tại tỉnh Thái Nguyên, hiện gia đình ông đã phát triển được khoảng 40 ha keo, bình quân mỗi năm, ông khai thác từ 3 đến 4 ha, thu nhập trên 200 triệu đồng.
Bên cạnh trồng rừng và khai thác nguồn lợi từ phân dơi, từ năm 2016 đến nay, ông Thắng đầu tư mô hình nuôi dê và trồng cây ăn quả. Hằng năm, gia đình ông luôn duy trì đàn dê khoảng 50 đến 60 con/lứa, bình quân mỗi năm, xuất bán khoảng 50 con, thu nhập trên 100 triệu đồng; với diện tích đất trồng ngô kém hiệu quả quanh nhà, ông cải tạo trồng 2 ha cam Vinh, sản lượng khoảng 30 tấn/năm, thu nhập trên 150 triệu đồng/năm.
Không dừng lại ở đó, từ năm 2018, nhận thấy nhu cầu tiêu thụ sản phẩm gỗ trên địa bàn xã nhiều, ông còn mở xưởng gỗ bóc thu mua gỗ cho bà con. Từ mô hình kinh tế tổng hợp, gia đình ông Thắng có thu nhập 1 tỷ đồng/năm sau khi trừ chi phí, nhờ đó, gia đình ông đã vươn lên trở thành hộ giàu của thôn, xã, có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang; đồng thời, tạo việc làm thường xuyên cho 15 đến 20 lao động tại địa phương.
Chia sẻ về kinh nghiệm sản xuất, ông Thắng cho biết: Trước khi bắt tay vào thực hiện mô hình kinh tế, cần tìm hiểu rõ về thị trường và xem mô hình đó có phù hợp với điều kiện của địa phương không. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện, cần sự kiên trì, chịu khó học hỏi trên sách báo, mạng internet và các mô hình đã thành công trước đó, đồng thời, tích cực tìm kiếm thị trường, liên kết để tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, bản thân tôi luôn tìm hiểu và đưa vào trồng trọt, chăn nuôi những cây giống, vật nuôi có giá trị kinh tế cao để đáp ứng nhu cầu thị trường. Thời gian tới, tôi dự kiến xây dựng chuồng trại chăn nuôi ngựa bạch.
Bên cạnh phát triển kinh tế gia đình, ông Thắng còn tích cực tham gia các hoạt động do xã, thôn phát động và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho nhiều hội viên khác trên địa bàn xã khi có nhu cầu. Bà Nguyễn Thị Vân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thiện Tân đánh giá: Với bản tính cần cù, chịu khó, sự nhạy bén với thị trường, ông Nguyễn Văn Thắng đã xây dựng và phát triển thành công mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao, xứng đáng là hội viên nông dân tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế của xã.
Với những nỗ lực đó, tháng 10/2021, ông Thắng vinh dự được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, giai đoạn 2016-2022.
Ý kiến ()