Hội viên nông dân làm giàu từ mô hình kinh tế tổng hợp
– Những năm qua, nhờ triển khai sâu rộng và hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, trên địa bàn huyện Đình Lập đã xuất hiện nhiều hội viên nông dân năng động, sáng tạo, vươn lên làm giàu. Trong đó, phải kể tới ông Hoàng Văn Liêm (sinh năm 1969), thôn Còn Sung, xã Đình Lập.
Ông Liêm sinh ra trong gia đình thuần nông ở xã Đình Lập. Trước đây, kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào trồng lúa và hoa màu nên thu nhập bấp bênh. Do đó, ông luôn trăn trở với việc phát triển mô hình kinh tế để nâng cao hiệu quả, tăng thu nhập cho gia đình.
Ông Liêm làm việc tại xưởng mộc của gia đình
Năm 2000, nhận thấy trên địa bàn có nguồn nguyên liệu gỗ dồi dào, bản thân lại biết làm nghề mộc học được từ ông cha nên ông Liêm đã mạnh dạn vay vốn đầu tư máy móc phát triển xưởng mộc tại nhà. Quá trình sản xuất, ông đã chăm chỉ học hỏi, nâng cao tay nghề. Đến nay, ông Liêm đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, có chứng chỉ nghề mộc và giấy phép hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định.
Ông Liêm cho biết: Nhận thấy nhu cầu của người dân ngày càng tăng nên năm 2010, tôi đầu tư 50 triệu đồng mua thêm máy móc hiện đại, mở rộng xưởng mộc. Theo đó, xưởng chuyên sản xuất các sản phẩm như: giường, tủ, bàn, ghế… Đến nay, xưởng mộc của gia đình hoạt động ổn định cho thu nhập trên 200 triệu đồng mỗi năm. Đồng thời, xưởng còn tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động địa phương với thu nhập 4 đến 5 triệu đồng/người/tháng.
Cùng đó, từ năm 2005, tận dụng diện tích đất đồi rừng bỏ không, ông Liêm trồng trên 5 ha thông. Đến nay, gia đình ông có trên 1.000 cây thông đến tuổi cho khai thác, mỗi năm cho thu nhập trên 70 triệu đồng. Bên cạnh phát triển nghề làm mộc và trồng rừng, từ năm 2016 đến nay, ông đầu tư mở rộng thêm mô hình chăn nuôi. Trung bình mỗi năm, gia đình ông nuôi trên 100 con gà, vịt, 15 đến 20 con lợn mang về nguồn thu gần 50 triệu đồng sau trừ chi phí. Với mô hình kinh tế tổng hợp này, gia đình ông Liêm có thu nhập 300 đến 350 triệu đồng/năm. Nhờ đó, ông xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm thêm máy móc hiện đại phát triển xưởng mộc.
Chia sẻ về kinh nghiệm sản xuất, ông Liêm cho biết: Trước khi thực hiện một mô hình, cần phải xác định trồng cây nào, nuôi con gì, làm nghề gì cũng phải phù hợp với khả năng của bản thân, gia đình và điều kiện tự nhiên ở địa phương. Đặc biệt, để xây dựng và phát triển thành công các mô hình kinh tế cần kiên trì, chăm chỉ, chịu khó học hỏi; không ngừng tìm kiếm, liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm.
Ngoài phát triển kinh tế mang lại thu nhập cao cho gia đình, ông Liêm còn tích cực tham gia các hoạt động do xã, thôn phát động, ông còn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm phát triển sản xuất cho các hội viên nông dân khác. Ông Đặng Văn Cương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đình Lập cho biết: Với bản tính cần cù, chịu khó, ông Hoàng Văn Liêm đã xây dựng và phát triển mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao, xứng đáng là hội viên nông dân tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế của xã. Không chỉ làm giàu cho bản thân, nhiều năm qua, ông còn tích cực tham gia các hoạt động do hội nông dân tổ chức, tận tình hỗ trợ cho người dân khác khi có nhu cầu.
Với những nỗ lực đó, năm 2021, ông Liêm vinh dự được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước. Cùng đó, trong tháng 10/2021, ông tiếp tục được nhận bằng khen của Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh vì đã có thành thích xuất sắc trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2016 – 2021.
Ý kiến ()