Hồi Văn Quan: Được giá... vẫn buồn
LSO-Giá thu mua hồi tươi ở Văn Quan thời điểm này dao động ở mức 15-16.000 đồng/kg, cao điểm lên tới 17.000 đồng/kg, có nghĩa là cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
LSO-Giá thu mua hồi tươi ở Văn Quan thời điểm này dao động ở mức 15-16.000 đồng/kg, cao điểm lên tới 17.000 đồng/kg, có nghĩa là cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Ấy vậy mà người trồng hồi vẫn chẳng thể vui, bởi giá tăng gấp đôi, nhưng năng suất lại giảm chỉ bằng 1/8 bình thường.
Điểm thu mua hồi tại thôn Nà Hấy, xã Bình Phúc, huyện Văn Quan |
Đầu thu, mưa dầm dề, những con đường liên thôn trên địa bàn xã Bình Phúc đất nhão ra như cháo. Thế nhưng điểm thu mua hồi ở thôn Nà Hấy vẫn nườm nượp người với những tải hồi tươi trĩu nặng. Khẩn trương cũng phải, bởi phiên này giá thu mua hồi đã lên đến 17.000 đồng/kg tươi, cao hơn phiên trước 1 giá và nếu so với thời điểm này của năm trước thì giá cao hơn gấp 2 lần. Anh Nông Văn Tú, ông chủ của điểm thu mua này cho biết: hàng ở đây xuất sang Trung Quốc hết, tùy thuộc vào giá thu mua ở bên kia, mình sẽ đặt giá thu mua tại đây, phải tính toán lắm, nếu mua với giá cao thì nguy cơ lỗ vốn, còn mua giá thấp hơn thì người dân mang sang các điểm thu mua khác. Thời điểm này năm trước, giá hồi tươi chỉ dao động trong mức 6-7.000 đồng/kg, trung bình mỗi ngày anh Tú thu mua được khoảng hơn 30 tấn, cả vụ năm ấy được xấp xỉ 1.000 tấn. Nhưng năm nay, mặc dù giá hồi tăng cao ngất, nhưng lượng thu mua lại rất thấp, trung bình khoảng 8 tấn/ngày và từ đầu vụ thu hoạch đến nay, điểm thu mua này cũng chỉ nhập được khoảng 130 tấn.
Anh Mạc Văn Thăng, Chủ tịch UBND Bình Phúc cười buồn: Được giá thế này, nhân dân ai chẳng muốn bán nhiều, nhưng lấy đâu ra hồi mà bán? Nếu như năm 2012 được đánh giá là năm hồi được mùa nhất trong vòng 10 năm qua, thì như một quy luật, năm nay năng suất hồi chỉ còn bằng 1/8, thậm chí có diện tích không được thu. Theo lãnh đạo UBND xã Bình Phúc, toàn xã có trên 1.200ha hồi, khoảng 1/3 trong số đó đã cho thu hoạch. Vụ hồi năm nay, theo dự tính, năng suất hồi của Bình Phúc chỉ bằng 1/8, thậm chí một số diện tích chỉ cho năng suất bằng 1/10 so với năm trước. Chẳng riêng gì đất hồi Bình Phúc, cũng là một trong những vựa hồi của Văn Quan, xã Yên Phúc năm nay chịu chung cảnh mất mùa. Ông Nguyễn Trung Kiên, Bí thư Đảng ủy xã Yên Phúc, Chủ tịch Hội Sản xuất, chế biến và kinh doanh hồi bộc bạch: Những người trồng hồi từ lâu đã quen với quy luật năm được, năm mất. Chu kỳ để có mùa thu hoạch bội thu như năm trước phải mất 10 năm. Lý giải về điều này, ông Kiên cho hay: Thực chất những người trồng hồi lâu nay không hề chăm bón gì, tác động duy nhất là cứ khoảng 2 năm chủ rừng mới tiến hành phát dọn thực bì. Do vậy thời gian để hồi tích lũy dinh dưỡng cho sai quả phải mất nhiều năm. Sau vụ được mùa, cây cần thời gian để phục hồi, vì vậy vụ sau chắc chắc năng suất thấp. Trên thực tế, trong quá trình tác nghiệp chúng tôi nhận thấy hầu hết người trồng hồi đều nắm rõ quy luật này. Nhưng thay vì tập trung chăm sóc để cho năng suất, sản lượng đều hàng năm thì đa phần vẫn chấp nhận để tự nhiên. Nhiều ý kiến cho rằng chăm sóc để năng suất chất lượng cao, thì người trồng hồi lại phải đối mặt với mất giá. Chẳng hạn như năm trước, đất hồi đạt năng suất cao kỷ lục, nhưng giá bán cũng lại xác lập mức thấp kỷ lục trong vòng 10 năm trở lại đây. Trong khi đó, những năm mất mùa thì giá lại rất cao, như năm 2010-2011 chẳng hạn, giá hồi tươi lên đến 27-28.000 đồng/kg. Rõ ràng là việc không chủ động, ổn định được thị trường cũng tác động một phần không nhỏ tới tâm lý người trồng hồi.
Hiện nay các ngành hữu quan vẫn đang tiếp tục hợp tác quốc tế triển khai đề tài chăm sóc và cải tạo rừng hồi. Tuy nhiên ngoài việc tạo các mô hình thí điểm, các diện tích mẫu, thì cũng cần phải có những giải pháp đồng bộ từ các địa phương trong công tác tuyên truyền vận động và từ các cấp, ngành hữu trách trong việc ổn định thị trường; liên kết với doanh nghiệp, phát huy vai trò của Hội Sản xuất, chế biến và kinh doanh hồi… mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững cho người trồng hồi.
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()