Thứ 6, 27/12/2024 02:08 [(GMT +7)]
Hồi Văn Quan bị dịch hại trên diện rộng: Khống chế, diệt trừ cần đồng loạt, triệt để
Thứ 4, 18/04/2012 | 08:29:00 [(GMT +7)] A A
Đây là năm thứ ba liên tiếp loài bọ ánh kim xuất hiện và gây hại trên cây hồi ở thôn Khau Moòng. Mặc dù trong năm 2011 đã phun trừ, nhưng do phát hiện muộn khi sâu đã hoá nhộng nên không phát huy được hiệu lực của thuốc và trong những cánh rừng hồi không được phun đồng loạt, triệt để nên loài gây hại này vẫn lưu trú, sinh tồn và xuất hiện gây hại trở lại khi gặp điều kiện thuận lợi. Trước thực tế như vậy, nguyện vọng của bà con địa phương mong muốn các cơ quan chuyên môn tăng cường hỗ trợ thêm số lượng máy bơm phun công suất lớn để tổ chức bao vây khống chế, diệt trừ triệt để dịch hại bảo vệ diện tích cây hồi.
LSO-Xã Khánh Khê huyện Văn Quan là một trong những vùng trọng điểm về diện tích cây hồi và sản lượng hồi của huyện. Trong hơn 2 tuần qua, cây hồi ở địa phương này đã chịu sự tàn phá của một loài sinh vật mà theo cơ quan chuyên môn gọi là bọ ánh kim. Mặc dù đã có nhiều cố gắng, song hiện nay bà con nông dân đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc diệt trừ dịch bọ ánh kim bảo vệ cây hồi.
Bọ ánh kim hại cây hồi
Từ ngày 27/3/2012, bà con nông dân thôn Khau Moòng – một thôn vùng cao thuộc xã Khánh Khê của huyện Văn Quan đã phát hiện một loài sinh vật gây hại cây hồi trong các cánh rừng hồi. Theo Trạm Bảo vệ thực vật (BVTV) huyện Văn Quan xác định là bọ ánh kim. Bọ ánh kim ăn lá và chủ yếu ăn lá non dẫn đến tình trạng cây hồi giảm hoặc mất khả năng quang hợp nuôi cây, nuôi quả. Thực tế trong rừng hồi, nhiều cây bị hại nặng đã rụng toàn bộ số quả trên cây. Theo số liệu thống kê của Trạm BVTV huyện và chính quyền địa phương, diện tích cây hồi bị loài bọ ánh kim gây hại hiện có tổng cộng hơn 24 ha, tập trung toàn bộ ở thôn Khau Moòng. Qua điều tra của Trạm BVTV huyện Văn Quan, bọ ánh kim gây hại với mật độ trung bình từ 150 – 250 con/cây, nơi mật độ cao có 350 con/cây và nơi bị gây hại cục bộ có mật độ hơn 1.000 con/cây. Theo kỹ sư Hoàng Văn Nai thuộc Trạm BVTV huyện Văn Quan thì bọ ánh kim gây hại cả 2 pha: Pha sâu non và pha trưởng thành.
Ngay sau khi phát hiện, UBND xã Khánh Khê đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch và tổ chức phun thuốc diệt trừ bọ ánh kim hại cây hồi. Từ ngày 04/4/2012, Trạm BVTV huyện Văn Quan đã chỉ đạo bà con phun các thuốc hoá học OFATOX, CYPERKILL 10EC. Kết quả, bọ ánh kim chết sau khi phun, như vậy hiệu lực của thuốc hoá học đã có tác dụng rõ rệt. Các cánh rừng hồi bị gây hại đều trên cao nơi đầu dốc, thuộc vùng đầu nguồn, nên để bảo vệ môi trường và sức khỏe của đồng bào thôn Khau Moòng ở phía dưới, Trạm BVTV tiếp tục bố trí thêm loại thuốc sinh học có tên AN HUY 8.000IU/mg/WP, tổ chức phun thí điểm từ ngày 11/4/2012. Cùng với việc phun thuốc diệt trừ bọ ánh kim, hiện nay chính quyền cơ sở tiếp tục tổ chức giám sát chặt chẽ những cánh rừng hồi lân cận để có biện pháp phòng trừ kịp thời.
Việc tổ chức cho nông dân diệt trừ dịch hại cây hồi bước đầu đã có hiệu quả. Tuy nhiên thực tế hiện nay, bà con nông dân thôn Khau Moòng chỉ có duy nhất một máy bơm phun công suất nhỏ, do vậy không thể tổ chức phun thuốc đồng loạt bao vây khống chế trên toàn bộ diện tích rừng hồi bị hại. Mặt khác, công tác dập dịch cũng đang gặp phải rất nhiều khó khăn bởi nhiều yếu tố khác nhau như địa hình dốc lớn, xa khu dân cư, xa nguồn nước (dùng pha chế thuốc). Trưởng thôn Khau Moòng – ông Hoàng Văn Chèo cho biết: Các hộ trong thôn có điều kiện kinh tế không đồng đều, hầu hết thuộc diện hộ nghèo nên không có tiền mua thuốc và máy phun thuốc có động cơ, một số chủ rừng ở nơi khác không đến tham gia dập dịch…
Chỉ có duy nhất một máy phun thuốc cho cây
Đây là năm thứ ba liên tiếp loài bọ ánh kim xuất hiện và gây hại trên cây hồi ở thôn Khau Moòng. Mặc dù trong năm 2011 đã phun trừ, nhưng do phát hiện muộn khi sâu đã hoá nhộng nên không phát huy được hiệu lực của thuốc và trong những cánh rừng hồi không được phun đồng loạt, triệt để nên loài gây hại này vẫn lưu trú, sinh tồn và xuất hiện gây hại trở lại khi gặp điều kiện thuận lợi. Trước thực tế như vậy, nguyện vọng của bà con địa phương mong muốn các cơ quan chuyên môn tăng cường hỗ trợ thêm số lượng máy bơm phun công suất lớn để tổ chức bao vây khống chế, diệt trừ triệt để dịch hại bảo vệ diện tích cây hồi.
Nguyễn Duy Hà
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()