Hồi ức của một nhà ngoại giao về Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Ông E.P.Gla-du-nốp (trong ảnh) nguyên là Tham tán Công sứ Đại sứ quán Liên Xô (cũ) tại Việt Nam,Vụ trưởng Vụ Đông Dương Đảng Cộng sản Liên Xô, Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga - Việt. Trong thời gian công tác tại Việt Nam, ông đã có vinh dự nhiều lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt ông còn được trực tiếp dịch trong những cuộc gặp giữa Đại sứ Liên Xô X.A.Tốp-man-xi-an và Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Nhân dịp sang thăm Việt Nam, ông đã đến Bảo tàng Hồ Chí Minh kể lại những kỷ niệm của mình về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng tôi xin lược trích hồi ký của ông về những lần gặp và những cảm nghĩ của ông về Người.Trong một lần khai mạc hội nghị có 54 Đại sứ quán các nước, đồng chí Hồ Chí Minh đề nghị chọn ra người phiên dịch cho Đại sứ Liên Xô X.A.Tốp-man-xi-an, và tôi đã được chọn. Thường khi có điện thoại do thư ký của Bác Hồ gọi đến, tôi sẽ lên xe đến Phủ Chủ tịch, có nhân viên ngoại giao ra đón. Theo...
|
Trong một lần khai mạc hội nghị có 54 Đại sứ quán các nước, đồng chí Hồ Chí Minh đề nghị chọn ra người phiên dịch cho Đại sứ Liên Xô X.A.Tốp-man-xi-an, và tôi đã được chọn. Thường khi có điện thoại do thư ký của Bác Hồ gọi đến, tôi sẽ lên xe đến Phủ Chủ tịch, có nhân viên ngoại giao ra đón. Theo thông lệ, cuộc gặp gỡ bao giờ cũng ở Phủ Chủ tịch, nhưng có khi chuyển sang ngôi nhà của người làm vườn. Mở đầu là những câu chuyện hội đàm chung, sau đó chuyển sang phòng chiếu phim, chiếu phim tài liệu của Việt Nam, Liên Xô hoặc quốc tế, thông thường có rất nhiều trẻ em cùng xem phim. Hồ Chí Minh khi xem phim thì bình luận những đoạn trong phim, trao đổi với Đại sứ những cảnh quay trong phim, hoặc là nói với các em thiếu nhi những điều trong phim. Tôi lúc đó làm nhiệm vụ phiên dịch. Sau đó khoảng 15 – 20 phút, phim kết thúc, Bác Hồ đề nghị chuyển sang một phòng khác, hoặc ngôi nhà của người làm vườn, chúng tôi thường chuyển xuống phòng ở tầng 1, tôi thì không nhớ được vì thông thường lúc đó chỉ có Đại sứ với Bác cùng đồng chí Phạm Văn Đồng và đồng chí Hoàng Lương. Hồ Chí Minh thông báo cho Đại sứ các vấn đề của Việt Nam, hoặc nghe Đại sứ thông báo tình hình Liên Xô. Tôi không thể nhớ nội dung những cuộc đối thoại ấy vì nghề phiên dịch cần phải quên, khi chúng tôi nghe xong và ghi chép lại, sau đó đưa cho lãnh đạo và quên buổi phiên dịch đó. Tôi chỉ nhớ tính chất những buổi phiên dịch đó mang tính anh em thân thiện. Trong những buổi làm việc, mặc dù buổi trao đổi rất nghiêm túc, nhưng Bác thường vui vẻ và thân thiện.
Trong quá trình làm việc, thỉnh thoảng Bác lại hỏi tôi những câu hỏi rất đời thường như: Công việc của anh thế nào, cuộc sống ra sao? Đại sứ cũng hỏi Hồ Chí Minh về tôi, thí dụ như tôi phiên dịch thế nào? v.v.
Có một lần Bác Hồ hỏi tôi kiến thức văn hóa, văn học, nghệ thuật Việt Nam. Bác hỏi tôi đã đọc những cuốn sách của các nhà văn Việt Nam, thí dụ như nhà thơ Xuân Diệu chưa? Tôi trả lời có quyển tôi đọc rồi, có quyển chưa đọc.
Sau khi cuộc nói chuyện kết thúc, Bác Hồ tự nói với Đại sứ Tốp-man-xi-an bằng tiếng Nga là có hỏi đồng chí phiên dịch về kiến thức văn hóa, văn học, nghệ thuật Việt Nam.
Tôi muốn kể về lần gặp gỡ của tôi với Bác Hồ trong các buổi tiếp thông thường của Người với các chuyên gia nước ngoài ở Câu lạc bộ Quốc tế. Tháng 8-1962, tại Phủ Chủ tịch diễn ra buổi lễ kỷ niệm Quốc khánh Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đi dạo với các đồng chí lãnh đạo trong khuôn viên Phủ Chủ tịch, mọi người thông báo với Bác đã đến giờ bắt đầu buổi lễ. Bác Hồ cầm mi-crô nói bằng các thứ tiếng: Việt, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc mời mọi người vào phòng, mọi người vỗ tay đồng ý. Trong buổi lễ đó, Người đã đến và mời tôi nâng cốc chúc mừng ngày Quốc khánh, lúc đó cốc của tôi chưa có rượu. Bác Hồ liền tự tay rót rượu vào cốc của tôi. Tôi rất lo lắng và hồi hộp, vì lần đầu tiên một nhân viên bình thường ở sứ quán được Chủ tịch nước quan tâm như vậy. Bác Hồ hỏi tôi:
– Cháu làm gì ở đây?
Tôi trả lời:
– Tôi là cán bộ Sứ quán.
Bác Hồ nói:
– Còn tôi là Chủ tịch nước, cán bộ bình thường thì phải tuân lệnh Chủ tịch nước.
Thế là Bác Hồ rót rượu mời tôi uống.
Đó là thí dụ cụ thể về cách mà Bác Hồ tiếp xúc đối với mọi người, từ những người có cương vị cao đến những người có cương vị thấp, Bác đều không phân biệt ai cả, Bác đều chú ý. Người có một trí nhớ tuyệt vời, đã gặp một lần là không bao giờ quên. Đến lần gặp gỡ sau, Bác coi tôi như một người thân quen, hỏi tôi về gia đình, vợ con, về mọi người trong gia đình tôi, về công việc, v.v.
Lần gặp sau, khoảng tháng 5 năm sau đó, tôi được gặp Bác trong dịp mừng chiến thắng phát-xít, Người cũng đến và phát kẹo cho thiếu nhi, sau đó Người lại đến hỏi tôi:
– Cháu thế nào, cháu có khỏe mạnh không? v.v.
Tôi vô cùng kính trọng Bác Hồ. Người không chỉ là một nhà chính trị kiệt xuất, mà còn là một con người có những phẩm chất rất tuyệt vời. Tôi muốn nói, hiện nay trải qua rất nhiều năm, tên tuổi Hồ Chí Minh vẫn được mọi người nhớ và kính trọng. Hồ Chí Minh đặt nền móng cho mối quan hệ giữa Việt Nam và Liên Xô, tên tuổi Người chắc chắn còn được nhắc đến mãi vì Người đã đưa ra sáng kiến thành lập Hội Hữu nghị Xô – Việt (Hội Hữu nghị Nga – Việt hiện nay). Người không chỉ là “kiến trúc sư” xây đắp tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, Người còn xây dựng mối quan hệ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa… giữa Việt Nam và Liên Xô. Điều đó càng khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh luôn có chỗ đứng vững chắc trong lòng người dân Xô-viết cũng như người Nga hiện nay, mặc dù qua bao biến đổi của thời gian, những cuộc chính biến.
Theo quan điểm của chúng tôi, Liên Xô cũng như nước Nga cần nói lời cảm ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, bởi Người chính là cầu nối quan trọng giữa nhân dân Liên Xô với Việt Nam. Trước Cách mạng Tháng Tám, Việt Nam chưa có tên trên bản đồ chính trị thế giới, mà lúc đó là thuộc địa của Pháp. Bác Hồ đến Liên Xô từ năm 1923, những độc giả Liên Xô đã biết về đất nước Việt Nam qua bài báo, tác phẩm của Bác. Người tham gia Đại hội Quốc tế Nông dân, tham gia Đại hội VI, VII Quốc tế Cộng sản và đã làm cho mọi người biết đến đất nước Việt Nam. Người quảng bá cho đất nước Việt Nam trên trường quốc tế. Hồ Chí Minh còn là một nhà mác-xít xuất sắc. Người luôn nói Người là học trò của Lê-nin, bởi vì Người đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào thực tiễn Việt Nam. Lịch sử đã cho thấy Hồ Chí Minh còn là một nhà chiến thuật rất tuyệt vời. Năm 1945, khi cách mạng Việt Nam ở thế nghìn cân treo sợi tóc, khi ở Việt Nam có cả quân Nhật, có cả quân Pháp, Hồ Chí Minh đã tìm ra biện pháp và lối thoát ra khỏi tình thế này. Hồ Chí Minh còn rất yêu trẻ em. Người yêu trẻ em vì đó là thế hệ tương lai của đất nước.
Tôi xin nhắc lại lời của Đô-ra-rét In-ba-ru-rin, đảng viên Đảng Cộng sản Tây Ban Nha khi nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bà gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh là một con người huyền thoại, một nhà yêu nước vĩ đại, một nhà mác-xít Lê-nin-nít. Quan điểm của chúng tôi, Hồ Chí Minh đã có những đóng góp quan trọng trong phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()