Hồi ức 12 ngày đêm hào hùng từ các chuyên gia Liên bang Nga
Năm nay, các chuyên gia quân sự Liên Xô từng công tác ở Việt Nam lại bồi hồi, xúc động nhớ sự kiện 12 ngày đêm rực lửa “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” vào tháng 12/1972.
Tháng 12 luôn là thời điểm các chuyên gia quân sự Liên Xô từng công tác ở Việt Nam cảm thấy bồi hồi, bởi nhân kỷ niệm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, họ có thể gặp gỡ, hồi tưởng những kỷ niệm khó quên trong những năm tháng gian khổ song hào hùng, sát cánh cùng quân dân Việt Nam chiến đấu chống xâm lược, thống nhất đất nước.
Tuy nhiên, năm nay, những kỷ niệm xúc động đó đến sớm hơn, đặc biệt là với các chuyên gia tên lửa Liên Xô, với sự kiện kỷ niệm 12 ngày đêm rực lửa “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” vào tháng 12/1972, đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ, buộc chính quyền Mỹ phải quay lại bàn đàm phán, ký Hiệp định Paris ngày 27/1/1973.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Moskva, Trung tướng Vitor Phillipov cho biết tháng 3/1972, nhóm chuyên gia do ông làm trưởng đoàn đến Việt Nam, sau đó được điều đến Quân khu 4, thành phố Vinh để bảo vệ Quốc lộ số 1, đảm bảo vận chuyển hàng hóa vào miền Nam. Tuy nhiên, khi tình hình bắt đầu căng thẳng, không quân Mỹ ném bom Hà Nội, nhóm chuyên gia của ông tháng 12 được điều về Hà Nội, giúp vận hành các hệ thống tên lửa và tiến hành tác chiến, cũng như khắc phục các sự cố kỹ thuật và sửa chữa các hệ thống tên lửa do máy bay Mỹ phá hỏng.
Ông kể lại: “Hiệu quả tác chiến của bộ đội tên lửa phòng không Việt Nam theo tôi đánh giá là rất cao, dù đương nhiên nhân dân Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn, kể cả chiến sỹ bộ đội tên lửa phòng không, rất khó khăn trong tác chiến.”
Ông Phillipov không khỏi bồi hồi nhắc lại kỷ niệm đáng nhớ nhất của ông là người dân Việt Nam rất đoàn kết, bất chấp gian khổ: “Họ không có đủ lương thực và sống dưới bom đạn liên miên. Tuy nhiên, nhân dân Việt Nam vẫn quyết tâm đánh bại quân xâm lược và họ đã thực hiện được điều đó.”
Theo Tướng Phillipov, trung đoàn tên lửa ông hỗ trợ ở Vinh đã bắn rơi 9 chiếc B-52, không tính đến số máy bay tiêm kích yểm trợ. Thậm chí chính ông đã tận mắt thấy một phi công Mỹ bị bắt.
Về phần mình, ông Nikolai Kolesnik, Chủ tịch Hội Cựu chuyên gia quân sự từng công tác tại Việt Nam không thể nào quên những kỷ niệm, như việc huấn luyện các chiến sỹ tên lửa Việt Nam được thực hiện theo nguyên tắc “Làm như tôi làm;” điều kiện huấn luyện rất khắc nghiệt. Mỗi ngày, chuyên gia Liên Xô làm việc từ 12-15 giờ, trong điều kiện khí hậu nhiệt đới, độ ẩm cao.
Trong lễ kỷ niệm tại Đại sứ quán Việt Nam ở Liêng bang Nga, ông Kolesnik chia sẻ các trắc thủ tên lửa Việt Nam đã vận dụng thành công chiến thuật phục kích; nhanh chóng thay đổi vị trí sau mỗi trận đánh và ngụy trang khéo léo, các hệ thống phòng không luôn xuất hiện bất ngờ chờ đón máy bay địch ở nơi chúng không ngờ nhất.
Tại vị trí các đơn vị tên lửa phòng không vừa di chuyển, Việt Nam khéo léo bố trí trận địa giả bằng “tên lửa tre” và mô hình buồng dẫn đường tên lửa. Đây chính là cái bẫy để nếu máy bay địch tấn công trận địa giả, tên lửa thật của Việt Nam sẽ tấn công và hạ gục chúng.
Theo ông Kolesnik, chiến dịch “Linebecker-2” năm 1972 có sự tham gia của 700 máy bay chiến đấu; trong đó có 83 “pháo đài bay” B-52, 36 máy bay tiêm kích-ném bom F-111. Địch đã tiến hành 34 đợt ném bom lớn với 2814 phi vụ, thả xuống 13.000 tấn tấn bom. Tuy nhiên quân và dân miền Bắc Việt Nam vẫn đứng vững, tiêu diệt 81 máy bay, trong đó có 34 pháo đài bay B52 và 3 chiếc F-111.
Ông Kolesnik bày tỏ: “Mỗi lần chúng tôi quay lại Việt Nam, chúng tôi rất vui khi gặp những người bạn chiến đấu, đến thăm những nơi mà chúng tôi đã góp phần bảo vệ. Việt Nam đã ‘thay da đổi thịt’ để trở thành đất nước đang phát triển và thịnh vượng.”
Cựu chuyên gia Liên Xô Nhikolai Chikin nhớ lại khi đó Liên Xô có 2 bộ phận tuyệt mật là Phòng 02 và Phòng 03 trực thuộc Cục 4 Bộ Quốc phòng. Vào thời điểm đó, Phòng 02 trực tiếp cung cấp các hệ thống phòng không, còn Phòng 03 trực tiếp cung cấp các tên lửa phòng không. Tất cả các quả tên lửa phòng không Liên Xô cung cấp cho Việt Nam đều do Phòng 03 thực hiện.
Ông Chikin cũng nhắc tới người đứng đầu Phòng 03-Đại tá Yevgeny Ermolaev – người đã đến Việt Nam 8 lần, cũng như các sĩ quan khác của phòng đã nhiều lần qua lại Việt Nam để kịp thời chuyển các chuyến hàng tên lửa cho Việt Nam. Đề cập đến ấn tượng đáng nhớ nhất của mình ở Việt Nam, ông Chikin cho biết “đó là tình cảm từ trái tim, sự ân cần từ trái tim.”
Trong buổi lễ kỷ niệm ở Liên bang Nga, các chuyên gia cũng không quên nhắc tới Thượng tướng Anatoly Khiupenen, Trưởng nhóm chuyên gia cấp cao Liên Xô tại Việt Nam thời kỳ này. Chính ông Khiupenen đã đưa ra so sánh trận “Hạ Nội-Điện Biên Phủ trên không” giống như “trận Stalingrad của Việt Nam”./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()