Hội tụ nguồn lực để tăng cường cơ sở vật chất
Trường Mầm non tư thục Đông Kinh (TP Lạng Sơn) – một “kênh” xã hội hóa trong công tác phổ cập GDMN |
Lồng ghép các nguồn vốn
Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã tập trung các nguồn từ ngân sách, ưu tiên vốn từ chương trình mục tiêu Quốc gia, lồng ghép vốn tại địa phương từ chương trình 135, chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình nước sạch vệ sinh môi trường… tạo nên nguồn lực để xây dựng phòng học cho cấp học mầm non (MN). Trong 140 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất trường lớp học, nguồn vốn địa phương (nguồn cân đối địa phương, nguồn thu từ sổ số kiến thiết, nguồn thu phí theo Quyết định 26 của tỉnh và nguồn kinh phí huyện tự cân đối) là trên 74 tỷ đồng (chiếm trên 53%). Số còn lại là từ nguồn sự nghiệp giáo dục trên 41 tỷ đồng, vốn chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục đào tạo trên 12 tỷ đồng và vốn chương trình nông thôn mới 11,5 tỷ đồng.
Với số vốn ấy, chúng ta đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 688 phòng học kiên cố và bán kiên cố, cơ bản giải quyết được “nút thắt” về vấn đề phòng học cho cấp học này. Riêng trong 2 năm 2014 và 2015, cấp học MN đã được bổ sung thêm 137 phòng theo phương thức “50-50” (nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ 50%, huyện tự cân đối 50%). Theo đó, tổng kinh phí ngân sách tỉnh đã hỗ trợ là 39,6 tỷ đồng, các huyện tự cân đối được trên 7,3 tỷ đồng). Hiện tại, các địa phương đang thi công 17 dự án trường MN, trong đó có 7 dự án thuộc nguồn vốn cân đối địa phương, 10 dự án thuộc nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, dự kiến các dự án này sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2016.
Bằng vốn sự nghiệp giáo dục và vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về GD&ĐT, trong 5 năm qua, ngành đã đầu tư trên 58,7 tỷ đồng để mua sắm đồ dùng dạy học, đồ chơi ngoài trời và các phần mềm theo danh mục quy định trang bị cho các trường MN.
Tăng cường nguồn lực xã hội hóa
Kênh xã hội hóa (XHH) đã góp phần quan trọng tháo gỡ khó khăn về bổ sung quỹ đất và trang thiết bị. Với tinh thần “ Vì giáo dục, cùng giáo dục”, trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã có 152 hộ dân của 10 huyện hiến 95.997 m2 đất để xây dựng trường MN. Điển hình như Văn Quan có 30 hộ hiến 28.014 m2, Bắc Sơn có 20 hộ hiến 17.324 m2, Bình Gia có 20 hộ hiến 12.416 m2. Ông Đổng Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Quan cho biết: “Sự giúp đỡ của người dân là một trong những yếu tố quan trọng để Văn Quan tiến hành xây trường mới, tách trường để nâng cao chất lượng giáo dục của cấp học MN, hoàn thành công tác phổ cập”.
Bằng công tác tuyên truyền chăm lo cho cấp học MN, rất nhiều tổ chức, cá nhân đã đóng góp tiền của để xây dựng trường lớp. Trong 5 năm qua, các ngành, đoàn thể, đơn vị đã đóng góp trên 26,6 tỷ đồng và nhiều hiện vật, xây dựng được 244 phòng học MN. Đặc biệt, có những xã nghèo như: Hữu Liên (Hữu Lũng), Vĩnh Lại (Văn Quan), Hưng Vũ (Bắc Sơn)… người dân vẫn đóng góp kinh phí giải phóng mặt bằng, mua đất xây dựng trường MN. Vào đầu năm học mới, chính sự đóng góp của người dân trong xây dựng phòng học, bếp ăn, nhà vệ sinh, mua sắm đồ dùng bán trú… đã giúp các điểm trường MN nhanh chóng ổn định và tổ chức bán trú cho học sinh.
Với cuộc vận động “Mỗi nhà giáo dành 1 ngày lương, mỗi học sinh sinh viên tiết kiệm tiền ăn một bữa sáng để ủng hộ trẻ MN”, từ năm 2012 đến nay, ngành GD&ĐT đã huy động được 3,4 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng phòng học, bếp ăn, mua sắm thiết bị, nước sạch cho các trường MN của các huyện: Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan, Lộc Bình… Trang bị 280 chăn ấm, 350 áo ấm, 1.200 đôi tất, 900 tấm xốp và 30 triệu đồng tiền mặt cho các cháu trường MN ở Tràng Định, Cao Lộc và Lộc Bình.
Đánh giá việc tập trung các nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất và tăng cường thiết bị cho GDMN, ông Hoàng Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT nói rằng: sự gom góp sẽ tạo nên nguồn lực lớn. Trong những năm qua, công tác huy động và sử dụng nguồn lực nằm trong một tổng thể thống nhất, chứ không rời rạc, theo kiểu “mạnh ai nấy làm”. Chính việc hội tụ các nguồn vốn, nguồn đóng góp đã tạo ra sức mạnh về tài chính để giải quyết khó khăn về cơ sở vật chất và trang thiết bị cho cấp học MN.
Ý kiến ()