Hội trồng hồng không hạt Bảo Lâm: Bắt nguồn từ tâm huyết
(LSO) – Được thành lập từ năm 2018, Hội trồng hồng không hạt Bảo Lâm giúp nhiều nông dân nâng cao kỹ thuật trồng, chăm sóc cây hồng. Qua đó góp phần phát triển loại cây ăn quả này.
Hồng không hạt Bảo Lâm là loại cây ăn quả đặc sản của huyện Cao Lộc, nằm trong danh sách 50 loại trái cây đặc sản của Việt Nam.
Hiện nay, diện tích hồng không hạt Bảo Lâm của huyện Cao Lộc tập trung chủ yếu ở các xã: Bảo Lâm, Hòa Cư, Lộc Yên, Hải Yến… Mặc dù đây là cây ăn quả chủ lực của huyện nhưng trong những năm qua, phần lớn những người trồng hồng đều ít chú trọng tới việc nâng cao kỹ thuật, đổi mới cách chăm sóc đối với giống cây ăn quả này.
Nhận thức được điều này, năm 2018, một số người trồng hồng tại các xã: Hòa Cư, Gia Cát, Hải Yến… đã thành lập Hội trồng hồng không hạt Bảo Lâm. Số lượng thành viên ban đầu là 12 người, hội là nơi chia sẻ kinh nghiệm giữa những người tâm huyết với cây hồng không hạt Bảo Lâm.
Nông dân xã Hoà Cư, huyện Cao Lộc chăm sóc hồng Bảo Lâm
Ông Hoàng Văn Ngô (thôn Chè Lân, xã Hòa Cư, huyện Cao Lộc) là một trong những người đầu tiên tham gia hội. Gia đình ông có gần 100 cây hồng không hạt Bảo Lâm, những năm trước đây, nhiều cây trong vườn có hiện tượng không cho thu hoạch quả. Một phần do thiếu kỹ thuật chăm bón, phần do ông chưa có kinh nghiệm trị sâu, bệnh hại. Từ khi Hội trồng hồng không hạt Bảo Lâm thành lập, ông Ngô cũng như nhiều người khác đều được giúp đỡ tận tình từ những thành viên trong hội. Qua đó nâng cao kỹ thuật chăm bón và trị sâu bệnh hại, nhờ vậy, vườn hồng của ông đã kết trái đều, sản lượng tăng lên.
“Nhờ các thành viên trong hội chia sẻ kinh nghiệm mà phần lớn cây hồng của gia đình tôi đều cho thu hoạch, năm ngoái, sản lượng hồng của gia đình tôi so với năm 2017 tăng gấp 6 – 7 lần, những hộ còn lại cũng gấp 3 tới 4 lần so với năm cũ”. – ông Ngô cho biết.
Đến nay, Hội trồng hồng không hạt Bảo Lâm đã phát triển lên 22 thành viên, hội đã tổ chức 10 buổi sinh hoạt để chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc hồng. Bên cạnh đó, vào những thời điểm xảy ra sâu bệnh hại, các thành viên trong hội thường xuyên tập trung tới thăm từng vườn cây bị mắc bệnh, cùng nhau khắc phục.
Ông Đoàn Văn Sáng (thôn Bản Luận, xã Hòa Cư), hội viên Hội trồng hồng không hạt Bảo Lâm cho biết: Năm 2018 thời tiết khá thuận lợi nên cây hồng cho năng suất cao, tuy nhiên, năm nay thời tiết vô cùng khắc nghiệt. Chính điều này khiến tất cả diện tích hồng đều mắc bệnh, gây ra rụng quả dù đã được chăm sóc kỹ theo đúng kỹ thuật. Từ khi cây hồng có hiện tượng trên, hội đã cử thành viên mời các chuyên gia từ nhiều nơi về tận vườn để tìm nguyên nhân và cách khắc phục.
Năm 2019, mặc dù đối mặt với nguy cơ mất đi phần lớn sản lượng hồng do bệnh hại nhưng với sự giúp đỡ từ các cơ quan chuyên môn như Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Cao Lộc, nhiều hội viên đã kiểm soát được tình hình bệnh hại. Theo đó, nhờ phun đúng thuốc và cắt bỏ các cành bị nhiễm bệnh của cây, nhiều hộ giữ được tới 60% diện tích hồng không bị rụng quả.
Không chỉ riêng về hồng không hạt Bảo Lâm, các hội viên còn cùng tìm hiểu, trồng thêm cả những loại cây ăn quả khác như: ổi lê Đài Loan, cam Vinh, bưởi Diễn…
Ông Nguyễn Văn Hanh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Lộc cho biết: Hội trồng hồng không hạt Bảo Lâm là một trong những điểm nhấn trong phong trào phát triển giống cây ăn quả đặc sản của Lạng Sơn nói chung và huyện Cao Lộc nói riêng. Bắt nguồn từ tâm huyết của chính nông dân, hội góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây ăn quả đặc sản, đồng thời phát triển thêm các loại cây ăn quả khác. Phòng đang tiếp tục quan tâm, phối hợp, hướng dẫn các hội viên khắc phục tình trạng sâu bệnh hại ở cây hồng. Qua đó tạo điều kiện để vùng hồng Bảo Lâm phát triển bền vững.
GIA KHÁNH
Ý kiến ()