Thứ 6, 22/11/2024 14:52 [(GMT +7)]
Hội thi giáo viên giỏi cấp THCS các môn Khoa học xã hội: Sức vươn của đội ngũ giáo viên trẻ
Thứ 5, 08/12/2011 | 09:11:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Dự hội thi giáo viên giỏi cấp THCS các môn khoa học xã hội (KHXH) năm học này có 112 giáo viên, chiếm tỷ lệ 2,5% tổng số giáo viên cấp THCS trong toàn tỉnh.
Điều đáng quan tâm là căn cứ Thông tư số 21, ngày 20/7/2010 ban hành điều lệ Hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp học phổ thông, qua kết quả hội thi cấp huyện, các phòng GD đã lựa chọn được đội ngũ giáo viên trẻ tham gia hội thi cấp tỉnh. Trừ một vài giáo viên có thâm niên công tác 19-20 năm, số còn lại hầu hết có thâm niên từ 7-15 năm công tác, trong đó nhiều giáo viên có thâm niên từ 4-6 năm. Giáo viên trẻ tham dự hội thi hoàn toàn phù hợp và đã đáp ứng tốt mục tiêu của hội thi là: tôn vinh phương pháp dạy học tích cực, hạn chế tình trạng “đọc- chép”; dạy học gắn với thực tiễn, liên hệ với thực tiễn và bằng đặc trưng của bộ môn để hình thành nhân cách sống cho học sinh.
Bà Đoàn Thị Tĩnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT trao chứng nhận giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh cho các giáo viên trẻ môn tiếng Anh |
Phó phòng GD huyện Hữu Lũng Trần Kim Ánh nói rằng trong 26 trường THCS trong huyện, từ hội thi cấp trường, cấp huyện đến cấp tỉnh, đội ngũ giáo viên trẻ bao giờ cũng chiếm số đông và họ đều đạt giải cao, góp phần vào thành tích nhất toàn đoàn của ngành GD Hữu Lũng. Thầy giáo Hoàng Văn Phúc, giáo viên Trường THCS xã Yên Bình đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh lần này tâm sự : “Với 26 tuổi đời và mới vào nghề được 4 năm, em đã chịu khó học hỏi từ các bậc đàn anh đi trước, đồng thời tìm tòi suy nghĩ, thể nghiệm trong một thời gian khá dài để tiếp cận và thể hiện phương pháp dạy học tích cực, từ bỏ hẳn lối “đọc chép”, mà bằng hệ thống câu hỏi mang tính gợi mở để thúc đẩy tính tích cực của học sinh”.
Phải nói rằng, trong các nhà trường hiện nay, học sinh thường “ngại” các môn KHXH, dẫn đến học kém, và hệ lụy là khả năng tư duy trừu tượng, kỹ năng sống còn rất nhiều hạn chế. Còn sự nhàm chán nào hơn khi thày luôn bám vào sách giáo khoa và trích SGK để học sinh chép bài; yêu cầu học thuộc và…trả bài theo đúng…SGK. Làm thế nào để các môn KHXH mang lại hiệu quả tích cực như mục tiêu, nhiệm vụ của nó là bằng tính nhân văn để giáo dục con người – đó là sự trăn trở của đội ngũ giáo viên trẻ. Từ trăn trở, căn cứ yêu cầu nhiệm vụ đổi mới phương pháp giảng dạy trong đổi mới giáo dục phổ thông, các giáo viên trẻ đã có những bước đi tích cực đáp ứng mục tiêu giáo dục.
Trong buổi tổng kết hội thi, các giám khảo bộ môn giáo dục công dân (GDCD) đặc biệt khen ngợi cô giáo Cung Thị Thanh Hà, Trường THCS Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng và cho rằng, đối với bộ môn GDCD mà có được nhiều giáo viên vận dụng sáng tạo phương pháp, trong thời lượng nhất định, có phân hóa, đạt được hiệu quả cao, có tác dụng hình thành kỹ năng ứng xử cho học sinh…thì thật đáng quý. Ban giám khảo nhấn mạnh “Đây thực sự là giáo viên cốt cán trong việc nhân rộng đội ngũ giáo viên giỏi bộ môn GDCD”. Giáo viên trẻ có lợi thế về công nghệ thông tin (CNTT), nhiều người trong ngành GD khẳng định như vậy. Song vấn đề là áp dụng CNTT như thế nào để bài giảng có hiệu quả lại là vấn đề khác.
Trong 224 giờ dạy ở hội thi có đến 220 giờ ứng dụng CNTT, và những giờ được đánh giá loại giỏi đều là những giờ có sự tham gia của CNTT. Các giáo viên trẻ luôn có ý thức khai thác thông tin trên mạng để mở rộng bài giảng, mở rộng sự liên hệ theo đúng yêu cầu của bài giảng với một thời lượng vừa phải, tránh tình trạng lấy trình chiếu và thuyết minh để rồi dẫn dắt học sinh đi chệch trọng tâm của bài giảng.
Giáo viên trẻ ở vùng thuận lợi có điều kiện hơn để phấn đấu như Trường THCS Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng cử 2 giáo viên tham gia thì cả 2 đều đạt giỏi. Song danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh giờ đây không chỉ là “độc quyền” của các trường vùng thành phố, thị trấn, vùng thuận lợi. Thực tế hội giảng chứng minh rằng, dù bất cứ ở đâu, nếu nghiên cứu kỹ đối tượng học sinh và có phương pháp giảng dạy phù hợp vẫn mang lại hiệu quả cao. Bằng chứng là Trường THCS xã Hữu Lân- một trường vùng đặc biệt khó khăn của huyện Lộc Bình vẫn có 2 thầy giáo đạt loại giỏi là thầy Nguyễn Mạnh Tuấn, môn Địa lý và thầy Dương Văn Khu, môn tiếng Anh. Ban tổ chức hội thi đặc biệt biểu dương thầy giáo Nguyễn Mạnh Tuấn, không phải vì thầy giảng dạy ở trường khó khăn, mà vì trong bải giảng của thầy đã chú ý tích hợp các kiến thức trong bài giảng của mình như dân số, môi trường, bảo vệ biển đảo- những vấn đề mang tính thời sự hiện nay.
Bà Đoàn Thị Tĩnh, phó Giám đốc Sở GD&ĐT phát biểu, hội thi giáo viên dạy giỏi THCS các môn KHXH cấp tỉnh năm học 2011-2012 đã đạt được nhiều mục đích. Đó là sự “khảo sát” đội ngũ GV các môn KHXH về trình độ chuyên môn, đổi mới phương pháp giảng dạy sau nhiều năm thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông. Đây cũng là dịp để đội ngũ giáo viên trẻ thể hiện mình. Và họ đã tự khẳng định mình trước ngành, trước nhân dân.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()