Hội thảo "Vốn đầu tư cho các dự án điện và những vấn đề cấp bách"
Sáng ngày 13/12 tại Hà Nội, Hiệp Hội Năng lượng Việt Nam dưới sự hỗ trợ của Bộ Công thương và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học “Vốn đầu tư cho các dự án điện của đất nước và những vấn đề cấp bách”.
Sáng ngày 13/12 tại Hà Nội, Hiệp Hội Năng lượng Việt Nam dưới sự hỗ trợ của Bộ Công thương và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học “Vốn đầu tư cho các dự án điện của đất nước và những vấn đề cấp bách”.
Hình ảnh tại Hội thảo (Ảnh: M.P) |
Hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận nhằm tìm ra các giải pháp khả thi và hữu hiệu huy động đủ nguồn vốn đầu tư cho phát triển các dự án điện của Việt Nam, cũng như thực hiện tốt Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, căn cứ vào Quy hoạch điện VII đã được Chính phủ phê duyệt, ước tính lượng vốn đầu tư là rất lớn. Theo Quy hoạch điện VII (trong giai đoạn 2011 – 2020) thì chỉ riêng nhà máy nhiệt điện chạy than đã phải xây dựng 55 nhà máy. Ngoài ra còn có các nhà máy nhiệt điện chạy khí, thủy điện, thủy điện tích năng và cả nhà máy điện hạt nhân; đồng bộ với hệ thống nguồn là hệ thống truyền tải và phân phối điện trên phạm vi cả nước. Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho toàn ngành điện trong giai đoạn 2011 – 2030 ước tính khoảng 123,8 tỷ USD. Trong đó giai đoạn 2011 – 2020 là 48,8 tỷ USD và giai đoạn 2021 – 2030 là 75 tỷ USD.
Tuy nhiên, đến nay việc triển khai các dự án còn rất chậm. Có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó chủ yếu vẫn là tình trạng thiếu vốn trầm trọng trong từng dự án, một số dự án chưa rõ nguồn vốn. Ông Trần Viết Ngãi cho rằng cần thẳng thắn nhìn nhận những khả năng, hạn chế, tồn tại, vướng mắc trong việc huy động và sử dụng nguồn vốn đầu tư trong các công trình điện hiện nay. Qua đó, đề xuất các cơ chế, chính sách huy động nguồn vốn đầu tư thỏa đáng, hợp lý đáp ứng nhu cầu phát triển các công trình điện trong thời gian tới. Đồng thời mở ra cơ hội cho các tổ chức tín dụng, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế tham gia mạnh mẽ vào các dự án điện của đất nước.
Ông Dương Quang Thành, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, trong thời gian qua, công tác thu xếp vốn và đầu tư xây dựng các dự án điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam nói chung và nguồn điện nói riêng gặp không ít khó khăn do tác động của khủng hoảng tài chính trên thế giới đã tác động trực tiếp đến tình hình tài chính của Việt Nam. Hoạt động sản xuất kinh doanh điện và đầu tư của Tập đoàn tiếp tục chịu ảnh hưởng lớn, rủi ro của các yếu tố đầu vào cơ bản như giá nhiên liệu, biến động tỷ giá ngoại tệ, cơ cấu sản lượng điện phát, chính sách tín dụng, tiền tệ. Khối lượng đầu tư nguồn và lưới điện trong Quy hoạch điện VII đòi hỏi nhu cầu vốn quá lớn, trong khi giá điện chưa thu hút đầu tư, tình hình tài chính của Tập đoàn lại đang trong tình trạng lỗ nên việc huy động vốn đầu tư càng trở nên khó khăn.
Tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo, kịp tháo gỡ kịp thời của Chính phủ, các bộ, ngành và sự giúp đỡ chia sẻ của các ngân hàng, Tập đoàn vượt qua được các khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ trong đầu tư xây dựng theo kế hoạch đã đề ra. Ông Dương Quang Thành cho biết, tổng giá trị nguồn vốn đầu tư thực hiện trong giai đoạn từ năm 2006 đến hết năm 2013 nay đạt 444.520 tỷ đồng.
Nói về nguồn vốn cho ngành điện ông Cát Quang Dương, Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết , thời gian qua việc thu xếp cho các doanh nghiệp ngành điện tại các tổ chức tín dụng gặp một số khó khăn như: Vốn đầu tư cho các dự án điện rất lớn, thời gian thu hồi vốn dài nên tính hấp dẫn chưa cao; ngành điện chưa thu hút được nhiều vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhiệm vụ đầu tư phát triển ngành điện vẫn phần lớn do Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị thành viên gánh vác. Trong khi đó vốn tự có của EVN và các đơn vị thành viên chỉ có thể thu xếp được khoảng từ 20% đến 30% tổng mức đầu tư cho các dự án điện; còn lại chủ yếu là vốn vay.
Bên cạnh đó, mặc dù Chính phủ đã có nhiều cải cách về chính sách giá điện trong thời gian qua nhưng chính sách giá điện hiện nay chưa hấp dẫn đối với các nhà đầu tư vào ngành điện. Mặt khác, tỷ suất lợi nhuận thấp dẫn đến khả năng trả nợ gốc và lãi không cao, hoặc tổ chức tín dụng phải cho vay với thời gian quá dài, tiềm ẩn rủi ro. Ngoài ra, v iệc cho vay đối với các dự án điện, đặc biệt là thủy điện vừa và nhỏ trong những năm gần đây bộc lộ nhiều rủi ro, khó khăn, gây tổn thất cho các tổ chức tín dụng. Một số dự án điện có yêu cầu công nghệ, kỹ thuật phức tạp vượt quá khả năng thẩm định của các tổ chức tín dụng như: dự án điện hạt nhân, điện mặt trời…
Để góp phần tháo gỡ khó khăn trong việc huy động vốn của các dự án điện, đại diện Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra một số giải pháp: Về phía Bộ Công Thương thực hiện rà soát, đánh giá lại quy hoạch điện, cân đối tiến độ đầu tư của dự án đảm bảo an toàn với môi trường xã hội, đời sống nhân dân, phù hợp với năng lực tài chính và khả năng triển khai của doanh nghiệp; tránh đầu tư dàn trải, dừng các dự án công trình điện không hiệu quả. Đồng thời, thực hiện thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về các dự án mà chủ đầu tư chậm tiến độ, không đủ năng lực để triển khai tiếp.
Đặc biệt, việc lựa chọn chủ đầu tư phải được đánh giá một cách kỹ lưỡng, chỉ giao các dự án điện cho các chủ đầu tư thực sự có năng lực tài chính và kinh nghiệm đầu tư xây dựng quản lý trong lĩnh vực điện năng. Các chủ đầu tư cần nỗ lực hơn trong việc nâng cao năng lực tài chính, xây dựng phương án đầu tư phù hợp với năng lực công nghệ và nhân lực để tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng. Các bộ, cơ quan có liên quan hỗ trợ trong việc đẩy nhanh thủ tục về đất đai, cấp giấy chứng nhận đầu tư, cấp bảo lãnh Chính phủ theo quy định để đảm bảo tiến độ các dự án điện, thu hút các ngân hàng thương mại cho vay đối với các dự án điện.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, trong thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp, tháo gỡ các khó khăn trong việc cho vay của các ngân hàng đối với các dự án ngành điện. Ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đồng hành thu xếp vốn cho các dự án điện trong tất cả các khâu từ sản xuất, truyền tải và phân phối điện, đặc biệt là các dự án điện cấp bách, quan trọng quốc gia, các dự án sử dụng nguồn năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời… nhằm góp phần tạo điều kiện cho EVN và ngành điện thực hiện tốt nhiệm vụ cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()