Hội thảo “Việc làm bền vững và việc thực thi các tiêu chuẩn lao động”
Sáng nay 14-8, tại TPHCM, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam và Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội đã tổ chức hội thảo “Việc làm bền vững và việc thực thi các tiêu chuẩn lao động”.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã đánh giá tình hình nội hóa và thực thi các tiêu chuẩn lao động quốc tế tại Việt Nam và những khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện các tiêu chuẩn này. Đa số đại biểu cho rằng, việc thực thi các tiêu chuẩn lao động ở Việt Nam đã được cải thiện đáng kể trong thời gian qua. Tại phần lớn các doanh nghiệp hiện nay, không có việc cưỡng bức lao động hoặc sử dụng lao động trẻ em.
Các đại biểu cũng đã chia sẻ nhiều thông tin sâu hơn, cụ thể hơn về các tiêu chuẩn lao động quốc tế và kinh nghiệm trong thực hiện. Các doanh nghiệp phải nhận thức rõ là việc thực thi các tiêu chuẩn lao động này sẽ tạo sự hài hòa giữa quyền lợi của người lao động và lợi ích của doanh nghiệp, tạo sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp. Việc thực thi các tiêu chuẩn lao động quốc tế không làm phát sinh chi phí nào của doanh nghiệp, mà ngược lại, còn tăng năng suất, tăng tiền lương cho người lao động và nâng cao khả năng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp.
Ông Mai Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động- Thương binh– Xã hội đề nghị các doanh nghiệp thực thi nghiêm các quy định của bộ Luật lao động, Luật công đoàn, Luật doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn luật lao động. Một doanh nghiệp muốn tham gia vào thương mại toàn cầu cần phải đánh giá lại thực trạng quản lý lao động của doanh nghiệp mình, từ đó có những biện pháp tiến tới các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản.
Việt Nam đã phê chuẩn 21/189 Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế, trong đó có 5/8 Công ước cơ bản. Các tiêu chuẩn lao động quốc tế phần lớn đã được nội luật hóa bởi pháp luật lao động Việt Nam.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()