Tới dự, có hơn 200 đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành; các nhà lãnh đạo, quản lý; các chuyên gia, nhà khoa học.
Xuất phát từ việc Văn kiện Đại hội XII của Đảng có nhiều điểm mới cần được nhận thức đầy đủ, quán triệt sâu sắc, Hội thảo diễn ra nhằm làm sáng tỏ cơ sở lý luận – thực tiễn của những nội dung cơ bản, cốt lõi và điểm mới trong Văn kiện Đại hội XII; đề xuất giải pháp để triển khai thực hiện, vận dụng, đưa Nghị quyết Đại hội XII vào cuộc sống.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS. TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, đánh giá: “Đây là cơ hội để giới khoa học và các nhà hoạt động xã hội thể hiện tâm huyết của mình đối với đất nước và dân tộc”.
Ông Nguyễn Quang Thuấn cho biết, Ban Tổ chức Hội thảo nhận được 122 tham luận, tập trung làm rõ tám nhóm vấn đề chính, tiêu biểu là:
Những nhận thức chung về “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”; cách thức giải quyết quan hệ nhà nước – thị trường; lộ trình, giải pháp cơ cấu lại tổng thể và đồng bộ nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; giải pháp phát triển có hiệu quả kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể; vai trò quan trọng và giải pháp đột phá để phát triển kinh tế tư nhân;
Nội dung, giải pháp “tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới”; vấn đề đối ngoại, hợp tác, đấu tranh để bảo đảm chủ quyền, lợi ích của quốc gia dân tộc trong bối cảnh thế giới, khu vực đang thay đổi, khó dự đoán;
Sự phát triển nhận thức lý luận về Đảng cầm quyền; vai trò lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới, nhất là giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng; giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chiến lược.
Phát biểu ý kiến tại Hội thảo, đồng chí Vũ Khoan, nguyên Bí thư T.Ư Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, đã nêu ra những vấn đề lý luận và thực tiễn về hội nhập quốc tế trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng. Đồng chí cho rằng, để thực hiện thắng lợi chủ trương hội nhập quốc tế trong tình hình mới, đầu tiên cần có sự thống nhất về nhận thức và hành động; thứ hai, cần hiểu biết và hành động đúng cách; thứ ba, chú trọng mối tương quan giữa nội lực và ngoại lực.
“Hiểu biết nghĩa là có kiến thức sâu rộng về những xu thế của một thế giới đang thay đổi nhanh chóng và sâu sắc… Những gì diễn ra trên thế giới ít nhiều đều ảnh hưởng trực tiếp tới nước ta và chúng ta cần thấu hiểu, dự báo chính xác chiều hướng phát triển của chúng. Muốn vậy, cần có sự chỉ đạo tập trung, phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, các tổ chức nghiên cứu trên cả nước để khắc phục một khiếm khuyết được nhắc nhiều lần, đó là công tác dự báo còn yếu kém”, đồng chí Vũ Khoan nói.
Liên quan tư duy lý luận về kinh tế, PGS. TS. Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho biết, điểm mới và bước tiến trong tư duy và nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chính là khẳng định sự “bình đẳng” và “phát triển lâu dài” của các thành phần kinh tế; khẳng định việc thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, mức góp vốn cùng các nguồn lực khác và phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội.
Theo ông Lê Quốc Lý, bước tiến lớn khác trong nhận thức lý luận và tư duy về nền kinh tế thị trường ở Việt Nam đã và đang được thể hiện qua các chính sách kinh tế, chính sách đối ngoại và qua việc nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thị trường thế giới.
Ý kiến ()