Hội thảo tưởng niệm Nhà khoa học Nga Trigubenko Marina Evgenhievna
Ngày 2-3, Trung tâm chiến lược Nga tại châu Á, Viện kinh tế, Viện Hàn lâm khoa học Nga, đã tổ chức Hội thảo trực tuyến với chủ đề “Thực trạng nghiên cứu Đông Á và Đông-Nam Á hiện nay”.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ các hoạt động khoa học tưởng niệm và tri ân nhà khoa học nổi tiếng người Nga Trigubenko Marina Evgenhievna (1933-2020).
Hội thảo có sự tham gia đông đảo các giáo sư, viện sĩ, tiến sĩ kinh tế đến từ các trung tâm khoa học hàng đầu của Nga như: Viện Kinh tế, Viện Kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế, Viện Viễn đông, Viện Phương đông học thuộc Viện hàn lâm khoa học Nga, Đại học quan hệ quốc tế (MGIMO), Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Moscow mang tên Lomonosov (MGU)…
Về phía Việt Nam có sự tham gia của đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga, Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Kinh tế và chính trị thế giới, Viện Nghiên cứu châu Âu thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Trường Đại học kinh tế quốc dân.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ kinh tế Marina Trigubenko, nguyên Giám đốc khối nghiên cứu châu Á, thuộc Trung tâm chiến lược Nga tại châu Á, Viện kinh tế, Viện Hàn lâm khoa học Nga là một tên tuổi nổi tiếng tầm cỡ thế giới trong giới khoa học kinh tế của Nga. Tại hội thảo, các học giả đã ghi nhận bà là một trong những người đầu tiên tạo lập trường phái nghiên cứu các nước xã hội chủ nghĩa ngoài châu Âu, bao gồm Việt Nam, các nước Đông Dương, Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên, Mông Cổ, Cuba; nhà khoa học xuất sắc, nhà sư phạm tên tuổi lớn và là một nhà ngoại giao nhân dân.
Marina Trigubenko là người bạn lớn và gần gũi của Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp của bà gắn bó và cống hiến hết mình cho đất nước Việt Nam. Marina Trigubenko là một trong những nhà khoa học Liên Xô đầu tiên đến Việt Nam, ngay từ giai đoạn đất nước Việt Nam vừa thống nhất, để giúp Việt Nam xây dựng mô hình phát triển kinh tế mới thời kỳ sau chiến tranh. Bà đã góp phần to lớn vào việc xây dựng nhiều thế hệ nhà khoa học tài năng, nghiên cứu kinh tế của Việt Nam. Nhiều người trong số họ giữ những vị trí quan trọng và có nhiều đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế Việt Nam.
Marina Trigubenko là một trong số những chuyên gia Nga đã thực hiện một khối lượng công việc lớn tại Ủy ban kế hoạch nhà nước Liên Xô, nhằm khẳng định sự cần thiết về hợp tác giữa hai nước Liên Xô và Việt Nam trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông và thành lập Liên doanh dầu khí Vietsovpetro. Với những đóng góp to lớn cho Việt Nam, bà đã được Nhà nước Việt Nam tặng thưởng Huân chương Hữu nghị và Nhà nước Liên Xô tặng thưởng Huân chương Lao động Cờ đỏ.
Marina Trigubenko có vai trò lớn trong việc hình thành khoa học nghiên cứu Việt Nam, là một trong những người xây dựng nền tảng cho ngành Việt Nam học tại Nga. Bà không những là nhà khoa học xuất sắc mà còn là nhà sư phạm lớn. Những cuốn sách mà bà chủ biên và tham gia viết về Việt Nam, trải dài qua quá trình phát triển đất nước, như “Tra cứu Việt Nam”, “Việt Nam trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội”, “Việt Nam dân chủ cộng hòa”, “ Việt Nam hiện đại”… đã trở thành những tài liệu cơ bản, những cuốn sách gối đầu giường đối với nhiều thế hệ người Nga nghiên cứu về Việt Nam.
Hội thảo đã lắng nghe hàng chục tham luận, làm rõ những nghiên cứu và đóng góp của bà Marina Trigubenko đối với nghiên cứu châu Á, về thực trạng nghiên cứu châu Á của Nga, quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và LB Nga, vai trò của Việt Nam trong quan hệ Nga-ASEAN, phân tích một số hướng nghiên cứu mở rộng quan hệ Việt Nam – LB Nga…
Các nhà khoa học đều thừa nhận đang có một khoảng trống thế hệ trong việc nghiên cứu Việt Nam tại Nga. Vì vậy nhiều ý kiến nhất trí rằng loại hình hội thảo này nên được tổ chức thường niên, là nơi có thể trở thành một diễn đàn quy tụ những nhà nghiên cứu Việt Nam của Nga, nơi thảo luận và đề xuất những ý tưởng nhằm góp phần làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước Việt Nam và LB Nga, trong đó cần hết sức chú trọng thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực kinh tế – thương mại song phương.
Ý kiến ()