Hội thảo “Thủy điện miền Trung và sự tham gia của người dân”
Ngày 3/10, tại TP Hội An (tỉnh Quảng Nam), Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội thảo “Thủy điện miền Trung và sự tham gia của người dân”.
Ngày 3/10, tại TP Hội An (tỉnh Quảng Nam), Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội thảo “Thủy điện miền Trung và sự tham gia của người dân” .
Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường;ngành chức năng các tỉnh: Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình; các nhà nghiên cứu, nhà khoa học và nhiều người dân bị ảnh hưởng của dự án thủy điện…
Hội thảo “Thủy điện miền Trung và sự tham gia của người dân”. |
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe báo cáo khái quát về các nội dung: sông miền Trung, quy hoạch hệ thống phát triển thủy điện và các vấn đề của thủy điện miền Trung.
Trên cơ sở các báo cáo này, Hội thảo đã dành nhiều thời gian thảo luận về vấn đề có liên quan như: tái định cư, sinh kế và tác động môi trường tại những vùng bị ảnh hưởng của dự án thủy điện. Đồng thời, đại diện chính quyền và người dân ở vùng thủy điện cũng tham gia ý kiến trao đổi, phản ảnh những kết quả đạt được cùng những tồn tại, phát sinh và những bất cập trong phát triển thủy điện trong thời gian qua tại miền Trung.
Các ý kiến trao đổi tại Hội thảo với những phân tích tình hình thực tế, các quan điểm đa chiều về những mặt tích cực và hạn chế do các dự án thủy điện gây ra đối với khu vực miền Trung-Tây Nguyên đã được các bên có liên quan ghi nhận, tạo thành diễn đàn đối thoại để các nhà đầu tư, các cấp chính quyền, nhà làm chính sách, người bị ảnh hưởng và các tổ chức xã hội quan tâm, tiếp tục đề xuất và đưa ra các giải pháp phát triển thủy điện hợp lý, vừa nhằm đảm bảo nguồn năng lương phục vụ đất nước nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo hài hòa giữa lợi ích chủ đầu tư, người dân và bảo vệ tài nguyên, môi trường.
Trao đổi ý kiến tại Hội thảo, PGS.TS Lê Anh Tuấn, Cố vấn VRN cho rằng, phần lớn sinh kế và đời sống người dân nông thôn và vùng đồi núi miền Trung đều dựa vào các con sông. Tuy nhiên, từ khi có các nhà máy thủy điện đã tác động không nhỏ đến cộng đồng dân cư.
Cùng quan điểm này, đại diện Trung tâm Nghiên cứu Phát triển xã hội (CSRD) khẳng định, thủy điện đã đóng góp một phần năng lượng cho quốc gia. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh về mật độ các nhà máy thủy điện tại miền Trung thời gian qua đã bộc lộ nhiều vấn đề liên quan tới môi trường, xã hội và đôi khi cả về sự cố kỹ thuật gây nhiều hệ lụy bất lợi cho sự phát triển khu vực.
Ở góc độ của người dân sống tại địa bàn có dự án thủy điện, ông Nguyễn Văn Thẩm (sống ở hạ lưu thủy điện A Vương, tỉnh Quảng Nam) cho biết, hầu hết người dân đều quê ông ủng hộ xây dựng thủy điện nhưng Ban quản lý dự án thủy điện cũng cần điều tiết nước hợp lý để mùa khô nông dân trồng trọt không thiếu nước và mùa mưa lũ cũng phải được điều tiết phù hợp. Không để xảy ra trường hợp như ngày hôm qua (ngày 2/10), thủy điện Đắk Mi 4 xả lũ nhưng người dân ở hạ lưu thủy điện này không hề hay biết.
Bà Phan Thị Qua (thôn tái định cư thủy điện, xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế Huế) thì than vãn: “Ở khu tái định cư chúng tôi có đường, có điện, có trạm y tế, nhưng ruộng lúa lại không có nước để canh tác”.
Đại diện chính quyền cơ sở nơi có thủy điện, bà Lê Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà (Thừa Thiên Huế) cho biết, Hương Trà nằm giữ 2 con sông Hương và sông Bồ với hai nhà máy thuỷ điện Bình Điền và Hương Điều. Hai dự án này đã góp phần tăng nguồn thu ngân sách, thúc đẩy phát triển hạ tầng cho địa phương…
Tuy nhiên, theo bà Hương, hai dự án thủy điện trên cũng mang nhiều khó khăn cho địa phương. Chính quyền thị xã phải xử lý công tác tái định cư, giải quyết an sinh xã hội cho nhiều người dân bị ảnh hưởng phải di dời. “Vùng hạ du sông Hương, sông Bồ trước đây có khoảng 1.000 ha cây bưởi Hương Trà là đặc sản của Huế, song hiện nay chỉ còn 300 ha, vì phù sa không về được, cây bưởi không còn tốt tươi, người dân đành chặt bỏ”. “Trong khi đó, thực tế hiện nay tại Hương Trà, việc cam kết đảm bảo sinh kế cho người dân bị ảnh hưởng vẫn chưa làm được. Hiện thị xã đang tiến hành thu hồi khoảng 387,2 ha lâm trường để giao cho dân sản xuất. Đồng thời, tranh thủ các dự án để đào tạo nghề cho người dân tái định cư thủy điện, và tiếp tục khảo sát thực hiện sinh kế dưới tán rừng”- bà Hương chia sẻ.
Tham gia ý kiến tại Hội thảo, ông Trần Văn Hạt, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh Phú Yên cho biết, bình quân hộ nghèo tỉnh Phú Yên hiện nay là 14,4%, trong khi đó tại các nhà máy thủy điện là 36%, chứng tỏ sự hy sinh của người dân vùng thủy điện là lớn như thế nào. Do vậy, khi xây dựng các công trình thủy điện lớn cần có ý kiến tham vấn của người dân trước khi đầu tư. Theo ông Hạc, Quốc hội, Chính phủ cần sửa đổi chính sách liên quan đến thủy điện và nên đặt lợi ích của người dân, cộng đồng lên trên hết.
Cùng quan điểm với ông Hạt, kỹ sư Nguyễn Minh Tuấn (công tác tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam) đề nghị, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu điều tra quy hoạch tổng thể các công trình điện, thủy điện trong khu vực (trên cơ sở có sự tham gia đánh giá, phản biện của các nhà khoa học chuyên ngành). Đồng thời, phải có giải pháp để hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến các khu rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng khi làm thủy điện. Có biện pháp chế tài, bắt buộc các chủ đầu tư phải trồng bù lại diện tích rừng bị mất khi xây dựng công trình thủy điện; phải thường xuyên rà soát, điều chỉnh quy hoạch thủy điện, qua đó, kiên quyết loại bỏ những công trình có hiệu quả kinh tế thấp, tác động xấu đến môi trường. Đồng thời cần lắng nghe tiếng nói của nhân dân vào quá trình ra quyết định các vấn đề liên quan đến thủy điện và đời sống của họ trong quá trình thực hiện công tác di dân, tái định cư; không nên chỉ lấy ý kiến của chính quyền cấp huyện, xã, thôn để áp đặt yêu cầu của người dân…
Ông Nguyễn MinhTuấn cho rằng: Chính phủ cần có cơ chế chính sách chia sẻ lợi ích lợi nhuận khi khai thác công trình thuỷ điện cho địa phương, để họ có nguồn quỹ chủ động khắc phục những công trình tái định cư đã xây dựng bị hư hỏng, xuống cấp và có điều kiện hỗ trợ phát triển sản xuất, ổn định đời sống nhân dân…
Theo Ban tổ chức, Hội thảo đã thực sự trở thành một diễn đàn đối thoại đa chiều để các nhà đầu tư, các cấp chính quyền, nhà làm chính sách, người bị ảnh hưởng… có điều kiện đối thoại, thảo luận về những vấn đề tồn tại, nảy sinh trong phát triển các dự án thủy điện. Từ đó, các bên liên quan cùng nhau tìm được các giải pháp tháo gỡ, khắc phục những vướng mắc trong quá trình phát triển thủy điện ở các lưu vực sông tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
Theo CPV
Ý kiến ()