Hội thảo quốc tế Cộng đồng ASEAN: Bản sắc và vai trò trung tâm
Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao cho biết, kể từ khi gia nhập ASEAN năm 1995 đến nay, Việt Nam luôn coi ASEAN là một trong những ưu tiên đối ngoại hàng đầu.
Ngày 19/3, tại Hà Nội, Học viện Ngoại giao (Bộ Ngoại giao Việt Nam) phối hợp với Quỹ Konrad-Adenauer Stiftung (KAS) tổ chức Hội thảo quốc tế Cộng đồng ASEAN: Bản sắc và vai trò trung tâm.
Hội thảo với sự tham gia của hơn 100 đại biểu gồm: nguyên lãnh đạo Chính phủ, Bộ Ngoại giao Việt Nam và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Cựu Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa; các học giả quốc tế và Việt Nam; đại diện Đại sứ quán các nước ASEAN và các nước đối tác đối thoại của ASEAN tại Hà Nội và đại diện các bộ, ban, ngành Việt Nam.
Thúc đẩy những nỗ lực mới về xây dựng cộng đồng ASEAN
Khai mạc Hội thảo, Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao cho biết, kể từ khi gia nhập ASEAN năm 1995 đến nay, Việt Nam luôn coi ASEAN là một trong những ưu tiên đối ngoại hàng đầu.
Trong gần 25 năm qua, Việt Nam đã luôn nỗ lực đóng góp vào các công việc chung của ASEAN với tư cách là một thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm. Không chỉ đề xuất và thực hiện các sáng kiến của ASEAN, Việt Nam còn hết sức coi trọng việc nâng cao nhận thức, hiểu biết của các cơ quan và người dân, doanh nghiệp trong nước về Hiệp hội, và nhất là về Cộng đồng ASEAN .
Ngay từ năm 2010, khi đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN , Việt Nam đã đưa ra chủ đề của năm là “Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn đến hành động.”
Cho đến nay, những hành động thiết thực vẫn được tiếp tục, nhiều nguồn lực đối ngoại của Việt Nam vẫn được dành cho các nhiệm vụ xây dựng Cộng đồng, trong đó nhấn mạnh mục tiêu lấy người dân làm trung tâm.
Theo phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Vũ Tùng, Hội thảo lần này nhằm mục tiêu mở ra một diễn đàn trao đổi giữa giới nghiên cứu và giới hoạch định chính sách về các sáng kiến thúc đẩy bản sắc văn hóa và vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực.
Hoạt động này còn giúp nâng cao nhân thực của người dân Việt Nam, tạo đồng thuận xã hội trong nước để thúc đẩy những nỗ lực mới về xây dựng cộng đồng ASEAN.
Trong phiên khai mạc, ông Peter Girke, Trưởng đại diện Văn phòng Quỹ KAS tại Việt Nam cho rằng, năm 2020 sẽ là năm rất bận rộn với Việt Nam, vì Việt Nam sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên của ASEAN.
Ông Peter Girke nhấn mạnh, ASEAN đã tuyên bố nhiệm vụ nhấn mạnh vào xây dựng bản sắc và vai trò trung tâm của khối ASEAN, điều đó hướng đến việc xây dựng một trụ cột nữa là trụ cột con người, nhấn mạnh vào nhân dân làm trung tâm.
Đây là bước đi rất khôn ngoan bởi bản chất mục tiêu quan trọng nhất của chính trị và chính sách là phục vụ, đảm bảo cho sự phát triển của con người.
Theo ông Peter Girke, Việt Nam đã cho thấy vai trò rất xuất sắc trong việc xây dựng cộng đồng tại chính quốc gia này. Những kinh nghiệm của Việt Nam chắc chắn sẽ có lợi cho ASEAN khi Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch của khối ASEAN trong thời gian tới.
Việt Nam rõ ràng là một thành viên chủ động, tích cực trong các hoạt động hội nhập khu vực và trên toàn thế giới. Việt Nam đang rất cởi mở trong học hỏi kinh nghiệm trong quá khứ cũng như thực tiễn tốt nhất của khu vực trên thế giới.
Hướng tới tạo dựng một bản sắc chung của ASEAN
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Văn Thảo nhấn mạnh, ASEAN đã trải qua chặng đường hơn nửa thế kỷ tồn tại và phát triển.
Trong lịch sử quan hệ quốc tế nói chung và ở khu vực Đông Nam Á nói riêng, sự tồn tại và phát triển của ASEAN trong hơn 50 năm qua thường được viện dẫn để minh chứng cho sức sống dẻo dai của một mô hình hợp tác khu vực.
Từ xuất phát điểm là một Hiệp hội với 5 thành viên ra đời trong bối cảnh chiến tranh Lạnh, ASEAN đã phát triển, mở rộng thành viên và trở thành một Cộng đồng của 10 quốc gia Đông Nam Á.
Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 đang được các nước thành viên ASEAN tích cực thực hiện, đem lại những kết quả đáng ghi nhận và khích lệ, đóng góp vào việc bảo đảm hòa bình, ổn định và thịnh vượng của cả khu vực Đông Nam Á cũng như của từng nước thành viên.
Theo số liệu thống kê, tổng giá trị sản phẩm quốc nội (GDP) của các nước ASEAN vào năm 2017 đã đạt gần 2,8 nghìn tỷ USD, đứng thứ 6 của thế giới và thứ 3 châu Á. Trong các năm từ 2015-2018, các nước ASEAN luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP trung bình ở mức 4,8-5,3%/năm; so với mức trung bình của thế giới trong cùng kỳ là 3,1% thì đây là một con số rất khả quan.
Dự kiến đến năm 2030, ASEAN sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới, chỉ xếp sau Trung Quốc, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU).
Các số liệu về giáo dục, y tế cũng cho thấy chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao ở hầu hết các nước ASEAN.
Lịch sử hơn 5 thập kỷ hợp tác cùng phát triển, cùng hành động vì lợi ích chung, và triển khai tầm nhìn Cộng đồng tập trung vào kết nối, đặc biệt là kết nối con người, đã giúp tăng cường sự gắn bó mật thiết giữa các nước thành viên, cảm nhận cộng đồng giữa nhân dân các nước, từ đó hướng tới tạo dựng một bản sắc chung của ASEAN…
Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Văn Thảo cho rằng, sự phát triển của Cộng đồng ASEAN dựa trên những thành tựu đã đạt được và vai trò quan trọng của ASEAN đối với từng nước thành viên, đối với khu vực Đông Nam Á và rộng hơn là khu vực Ấn Độ-châu Á-Thái Bình Dương qua thời gian đã tạo dựng nên bản sắc và vai trò trung tâm của ASEAN.
Ngược lại, bản sắc và vai trò trung tâm của ASEAN hiện đang trở thành hai yếu tố cốt lõi quyết định sức sống và triển vọng phát triển của ASEAN trong thời gian tới.
Khi mức độ hội nhập khu vực ngày càng sâu sắc, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước càng chặt chẽ thì bản sắc ASEAN càng có ý nghĩa quan trọng đối với việc xác định những giá trị chung, những chuẩn mực chung của Cộng đồng.
Như đã nêu trong Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 , mục tiêu hàng đầu của các nước ASEAN là xây dựng một Cộng đồng lấy người dân làm trung tâm, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất giữa các nước thành viên. Bản sắc ASEAN chính là để hiện thực hóa mục tiêu đó, tạo ra chất keo gắn kết lâu dài giữa người dân các nước thành viên.
Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Văn Thảo nhấn mạnh, thành công của hội nhập khu vực không chỉ thể hiện qua mức độ gắn kết giữa các nước ASEAN, mà còn phụ thuộc đáng kể vào vị trí, vai trò của ASEAN trong cấu trúc khu vực.
Trong những năm qua, vai trò trung tâm của ASEAN tại khu vực đã được nhiều đối tác công nhận và ủng hộ. Vai trò trung tâm của ASEAN là một trong những nhân tố góp phần duy trì hòa bình, ổn định, giảm thiểu nguy cơ xung đột, đồng thời đảm bảo cho các nước ASEAN có tiếng nói trong các vấn đề quốc tế và bảo vệ được lợi ích của mình.
Theo Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Văn Thảo, trong thời gian gần đây và những năm sắp tới, bối cảnh thế giới và khu vực nhiều biến động, bất trắc đang và sẽ tiếp tục đặt ra những thách thức không nhỏ đối với tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Ở bên trong, còn tồn tại sự khác biệt về nhận thức và lợi ích giữa các nước thành viên ASEAN, cùng với những vấn đề chính trị-an ninh phức tạp, chưa được giải quyết.
Ở bên ngoài, cạnh tranh giữa các nước lớn trở nên gay gắt hơn, đồng thời xuất hiện những tư duy chiến lược mới đòi hỏi các nước ASEAN phải nâng cao khả năng thích ứng và tăng cường đoàn kết nội khối.
Bản sắc ASEAN và đảm bảo vai trò trung tâm của ASEAN trở thành hai nhiệm vụ thiết yếu đối với Cộng đồng, cần có sự tham gia tích cực của tất cả các nước thành viên, và cần được thực hiện tốt ở cả cấp độ khu vực giữa các Chính phủ và cấp độ quốc gia giữa các bộ, ngành, địa phương của từng nước thành viên.
Đó cũng là những nhiệm vụ đặt ra cho các nước Chủ tịch luân phiên của ASEAN, làm sao để khởi xướng, dẫn dắt được các biện pháp hiệu quả để ASEAN ngày càng gắn kết trong một bản sắc chung và ngày càng tự cường với khả năng thích ứng cao trong một thế giới nhiều biến động.
Phát biểu tại Hội thảo, tiến sỹ Marty Natalegawa, Cựu Ngoại trưởng Indonesia bày tỏ tin tưởng, Việt Nam không chỉ có vai trò trung tâm rất hiệu quả mà còn thể hiện tầm nhìn, vai trò lãnh đạo, giúp ASEAN nâng cao vai trò của cộng đồng này lên tầm cao mới.
Tiến sỹ Marty Natalegawa cho rằng, ASEAN có vai trò to lớn trong biến đổi khu vực lấy người dân làm trung tâm, thúc đẩy hợp tác kinh tế, tăng cường sự thịnh vượng và ngày càng có sự nhạy cảm với các vấn đề quan trọng trong khu vực.
ASEAN luôn tuân thủ hiến chương, tuân thủ nguyên tắc dân chủ, pháp quyền, quản trị hiệu quả, tôn trọng và bảo vệ các quyền bảo vệ con người cơ bản, quyền tự do cơ bản. Không thể đánh giá thấp các đóng góp to lớn của ASEAN trong 5 thập kỷ vừa qua.
Đồng thời, ASEAN cùng cần đề phòng, tránh tâm lý tự mãn, thận trọng trước các thách thức sắp tới bởi thế giới luôn thay đổi và phức tạp, có sự kết hợp, gặp nhau giữa các vấn đề địa phương, quốc gia, khu vực và toàn cầu, các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh… Điều đó cho thấy các vấn đề không thể giải quyết bởi các quốc gia đơn lẻ mà cần có sự hợp tác giữa các đối tác, các quốc gia với nhau.
Theo tiến sỹ Marty Natalegawa, ASEAN cần thích ứng với hai mối quan hệ đang nổi lên bên trong và bên ngoài, mối quan hệ vấn đề quốc gia và khu vực, xuyên khu vực hay vấn đề quốc tế.
ASEAN cần xây dựng không gian thân thiện giữa các quốc gia với nhau, cần có tâm thế sẵn sàng để tuân thủ các mô hình của ASEAN khi xử lý vấn đề khu vực. ASEAN cần phải đi xa hơn khỏi những khuôn khổ truyền thống, đóng góp của ASEAN cũng phải thay đổi. Nếu ASEAN thụ động sẽ bị gạt ra ngoài lề và bị chia rẽ.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận nhiều nội dung liên quan đến cơ hội và thách thức đối với bản sắc và vai trò trung tâm của ASEAN trong bối cảnh mới; vai trò của các chủ thể xã hội khác nhau trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN lấy người dân làm trung tâm; chia sẻ các kinh nghiệm, khuyến nghị cho Việt Nam trong năm Chủ tịch 2020./.
Ý kiến ()